Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương lại chuyển lên Trung ương

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 10/5, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

Cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời rõ ràng. Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị.

 

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%). Trong tháng 4/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 3/2023. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, đã chuyển 66 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 392 vụ việc. 

Trên cơ sở các kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại; Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành có giải pháp, hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết kịp thời bạo lực học đường…

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri như chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định. 

Trong đó, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay kiến nghị vẫn chưa được giải quyết. Một số kiến nghị đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Cùng với đó, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.

Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Thảo luận về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, việc giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri đã được Quốc hội quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp. Nhưng vẫn cần nêu rõ những lĩnh vực nào cho thấy hiệu quả trong công tác giám sát này, đi vào cụ thể từng khâu, từng nội dung, cơ quan, đơn vị nào có bước chuyển, tiến bộ, để báo cáo có sức nặng, phản ánh được hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong vấn đề này.