Đồng thời, tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu. Bên cạnh đó là nhiều đề nghị tiếp tục ra hạn cũng như mở rộng diện miễn visa.
Thu về 171 triệu đô la nhờ miễn visa
Từ khi chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu có hiệu lực (tháng 7/2015), tốc độ tăng trưởng tổng lượng khách từ các thị trường này tăng liên tục so với cùng kỳ năm trước, quý sau tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, Quý III/2015, Quý IV/2015 và Quý I/2016 lần lượt là 4,24%, 16,49% và 20%, tăng trưởng mạnh so với mức giảm -1% tổng lượng khách từ 5 nước này trong 6 tháng đầu năm 2015. Tổng lượng khách từ 5 nước trong 9 tháng được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015. Đối với Bê-la-rút, năm 2015, số lượng khách du lịch Bê-la-rút đến Việt Nam đạt gần 6.000 lượt, tăng 65% so với năm 2014, mức tăng cao nhất trong những năm vừa qua.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 đô la Mỹ. Với số lượng khách du lịch tăng thêm sau khi áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh, tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt gần 55 triệu đô la Mỹ, thu gián tiếp và lan tỏa từ các chuỗi cung ứng và thu nhập, chi tiêu của người dân ước tính đạt hơn 116 triệu đô-la Mỹ. Như vậy, tổng thu tăng thêm từ số lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 171 triệu đô la Mỹ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: “Chính sách miễn visa đã đem lại tác động tích cực và những lợi ích rất rõ ràng, góp phần phát triển kinh tế, phân bổ các lợi ích kinh tế và xã hội đến các đối tượng rộng rãi tham gia và các chuỗi chung của hệ thống ngành du lịch”.
Sẽ tiếp tục ra hạn và mở rộng diện miễn visa?
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, bên cạnh hiệu quả rõ rệt về kinh tế của chính sách miễn thị thực, việc 5 nước Tây Âu chỉ được miễn visa trong vòng 1 năm là một thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, DN du lịch và khách du lịch trong quá trình triển khai. Bởi lẽ, chính sách miễn thị thực trong 1 năm mang tính ngắn hạn trong khi các kế hoạch kinh doanh thường theo chiến lược trung hạn (3-5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm) để các DN có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng cần được tiến hành trước ít nhất 06 tháng đến 1 năm để đến được du khách với các gói sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu cũng cần ít nhất 3-06 tháng để quyết định điểm đến đi du lịch sau khi có thông tin. Chính vì vậy, thời gian càng về sau, tốc độ tăng trưởng khách du lịch càng cao hơn.
Tuy nhiên, chính sách ngắn hạn mới chủ yếu thu hút khách đi lẻ, các DN tổ chức khách theo đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn, ổn định của Việt Nam. Do đó, chính sách miễn thị thực ngắn hạn trong 1 năm là chưa đủ để thực sự hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu đến Việt Nam thường theo các chương trình trên 15 ngày, thông thường khoảng 3-4 tuần. Do đó, chính sách miễn thị trong 15 ngày chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Để chính sách miễn visa đối với công dân 5 nước Tây Âu phát huy hiệu quả mạnh mẽ, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân từ các thị trường khác, Bộ VHTT&DL đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu từ 1 năm lên 5 năm và tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất của Bộ VHTT&DL về việc đề nghị miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức. “Nếu đề xuất này được chấp thuận, chúng ta không những gia tăng lượng du khách đến từ những thị trường trọng điểm mà còn gắn trách nhiệm quản lý cho các đơn vị lữ hành khi đón khách vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc cấp visa trực tuyến và cấp visa tại cửa khẩu cũng đang có những tín hiệu khả quan” – Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá.
Bộ VHTT&DL cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam (Bộ VHTT&DL sẽ có tờ trình riêng).
Việc cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử cũng cần sớm được áp dụng, Bộ VH-TT&DL đề nghị.
|