Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều kỳ vọng khơi thông tín dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Động thái "hoãn" thêm một năm việc trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết "cục máu đông" nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, bài toán “dọn dẹp” nợ xấu, kích thích tín dụng nếu chỉ trông chờ vào VAMC vẫn là chưa đủ.

Nhân nhượng hay khôn ngoan?

Ngày 21/1/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau thời gian dài các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (TCTD) lơ là trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. So với những quy định hiện hành về trích lập dự phòng, xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, Thông tư 02 có sự thay đổi quan trọng với các quy định tiếp cận sát với chuẩn mực quốc tế, phản ánh đầy đủ hơn chất lượng tài sản của TCTD. 


Nhiều kỳ vọng khơi thông tín dụng - Ảnh 1

Để khơi thông tín dụng, doanh nghiệp và ngân hàng phải chung tay giải quyết vấn đề nợ xấu.Ảnh: Khánh Linh


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng Thông tư 02 vào thực tế thì tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng mạnh từ khoảng 3 - 4% hiện tại lên khoảng 10 - 20%. Sau khi cân nhắc và nghiên cứu, NHNN đã chính thức lùi thêm một năm thời hạn áp dụng, thay vì có hiệu lực thực hiện từ 1/6/2013, Thông tư 02 sẽ được áp dụng từ 1/6/2014.

Việc lùi thời hạn này được coi là một biện pháp "cần" trong bối cảnh hiện nay, giúp DN có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nếu áp dụng Thông tư 02, nhiều khách hàng bị đẩy tới nhóm nợ xấu hơn và sẽ khó tiếp cận vốn hơn. Điều này cản trở nỗ lực cấp vốn cho nền kinh tế, đi ngược lại mong muốn của NHNN trong việc kích thích tăng trưởng tín dụng.

Theo TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nếu NHNN bắt buộc các ngân hàng phải phân loại nợ xấu theo Thông tư 02 ngay từ ngày 1/6 tới, có thể sẽ khiến tình trạng nợ xấu rõ ràng hơn. Song đổi lại, cộng đồng DN sẽ chết, nền kinh tế khó chồng thêm khó. Trong điều hành, người quản lý bao giờ cũng phải chọn phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Việc NHNN hoãn áp dụng Thông tư 02 trong vòng một năm là lựa chọn khôn ngoan. Ông Dương thừa nhận, đây là giải pháp tình thế, mà giải pháp tình thế thì không thể so sánh với giải pháp dài hạn được.

Dọn dẹp nợ xấu - ngân hàng, doanh nghiệp hay VAMC?

Việc "hoãn" thực hiện Thông tư 02 ra đời trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản cách đó mấy ngày. Theo Nghị định 53/2013/NĐ - CP ngày 18/5/2013, ngày 9/7 tới, VAMC sẽ chính thức đi vào hoạt động. "Gánh" nợ xấu được đặt lên vai VAMC nặng nề hơn cả về kỳ vọng lẫn thực tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế và chính bản thân các ngân hàng đều cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào VAMC trong giải quyết nợ xấu. Gốc rễ của bài toán "làm sạch" nợ xấu, khơi thông tín dụng phải thuộc về chính bản thân ngân hàng và DN.

Nhiều kỳ vọng khơi thông tín dụng - Ảnh 2
 
Ngân hàng và doanh nghiệp phải chủ động giải quyết nợ xấu, khơi thông tín dụng.Ảnh: Tuấn Anh

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết, khi hoạt động, VAMC cũng chỉ giải quyết được một phần nợ xấu. Ngân hàng và DN vẫn phải chủ động để giải quyết nợ xấu nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Nếu sau 5 năm nợ xấu không giải quyết dứt điểm thì nguy cơ quay trở lại và bung ra rất có thể xảy ra.

Bản thân ngân hàng - những người trong cuộc được hưởng lợi từ việc thành lập VAMC cũng cho rằng, họ không thể chỉ kỳ vọng vào VAMC. Theo Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng, để xử lý nợ xấu hiện nay bản thân ngân hàng phải là người chủ động bằng cách trích lập dự phòng. Ngoài trích lập dự phòng chung, ngân hàng còn phải trích lập dự phòng riêng theo quy định. Ngân hàng và DN cũng phải cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, không thể chỉ kỳ vọng vào VAMC.

Như vậy có thể thấy, trách nhiệm chính trong xử lý nợ xấu vẫn phải thuộc về ngân hàng, Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo cú hích. VAMC cũng không thể giải quyết toàn bộ “cục máu đông” nợ xấu mà chỉ giải quyết trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp, những ngân hàng có nợ xấu trên 3%.