Sẽ mở được những nút thắt cho sự phát triển
Ngày 31/5, tại Đà Nẵng, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển và Cục Quản lý đấu thầu đồng tổ chức Hội thảo “Luật Đấu thầu 2023 – Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng”.
Theo nhận định của các chuyên gia, Luật Đấu thầu 2023 có rất nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ mở được những nút thắt cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Tuy nhiên, giữa pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách mà các chuyên gia pháp luật, kinh tế gọi là những sự cắt khúc.
Mặc dù mới có hiệu lực được hơn 3 tháng song do tính chất đặc biệt của nó, Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, hoạt động đấu thầu được luật hóa lần đầu tiên trong chương VI Luật Xây dựng 2003.
Qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập so với sự phát triển của đất nước dẫn đến việc Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực ngày 1/1/2024.
Theo ông Phàn, các điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động đấu thầu song nổi bật nhất, tập trung nhất là ngăn chặn khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước dù thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào.
“Tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng liên quan nhiều đến đất nơi hoạt động đấu thầu bị bóp méo, bị sử dụng để che đậy những giao dịch bất động sản không phải vì sự phát triển mà vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Những hệ lụy của các dự án phi phát triển, tức không chứa đựng yếu tố phát triển, đang tác động xấu đến hệ thống chính trị của đất nước, hủy hoại niềm tin của nhân dân trước hết vào Đảng, Nhà nước.
Chính vì vậy, không hề ngẫu nhiên khi các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước luôn tìm các giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng đang xói mòn và hủy hoại tiềm lực của đất nước bao gồm tiềm lực kinh tế, tiềm lực chính trị và đạo đức xã hội" - TS Trần Công Phàn nói.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo ThS. Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.
Đồng thời, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.
Cũng theo bà Lê, trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng những vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn, theo tinh thần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa luật. Đồng thời, tham khảo thông lệ quốc tế, tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động của luật.
Chia sẻ về những điểm mới và kỳ vọng của Luật Đấu thầu 2023, ThS. Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng Giám đốc Công ty Luật Davilaw cho rằng, luật sửa đổi đã đưa ra nhiều điểm mới so với luật 2013 trên cơ sở khắc phục những tồn tại phát sinh trong thời gian qua; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.