Nhiều lo ngại khi Metro đổi chủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thương vụ chuyển nhượng hệ thống Siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam (MCC Việt Nam) thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Nhiều lo ngại khi Metro đổi chủ - Ảnh 1
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách của Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) (ảnh bên) nhìn nhận, việc Metro ôm cục tiền bán doanh nghiệp ra đi để lại nhiều nỗi lo về lỗ hổng trong chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài, vấn đề chuyển giá… và một loạt các bài học mà Việt Nam cần xem xét.

Thoái lui êm đẹp

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của MCC Việt Nam với số tiền lớn 869 triệu USD. Ông bình luận gì về thông tin này?

- Nhìn bề ngoài, việc chuyển nhượng lĩnh vực bán buôn từ tay MCC Việt Nam sang Tập đoàn BJC của Thái Lan chỉ là một thương vụ mua bán, sáp nhập bình thường. Tuy nhiên, việc BJC thâm nhập vào thị trường Việt Nam được tính toán một cách rất kỹ lưỡng. Thực tế, ngoài vụ mua lại MCC Việt Nam, tập đoàn Thái Lan này đã hợp tác với Family Mart Việt Nam sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh này và đổi tên thành chuỗi bán lẻ B'mart (thương hiệu lâu đời của BJC). Rõ ràng phải nhìn nhận sự xâm nhập này là có chiến lược, từng bước của họ. Còn về phía Metro, việc thoái lui ở thị trường Việt Nam có thể là nằm trong kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu của tập đoàn này.
Siêu thị Metro trên đường Phạm Văn Đồng - Cơ sở đầu tiên của Metro tại Hà Nội.     Ảnh: Phạm Hùng
Siêu thị Metro trên đường Phạm Văn Đồng - Cơ sở đầu tiên của Metro tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mặc dù doanh thu đã tăng tới 24 lần, nhưng MCC Việt Nam đã báo lỗ 11/12 năm kinh doanh tại Việt Nam. Duy nhất năm 2010 báo lãi 116 tỷ đồng nhưng không phải nộp thuế thu nhập DN do được chuyển lỗ. Đây có phải là điều bất bình thường không, thưa ông?

- Trong 12 năm đầu tư vào Việt Nam, chỉ có thể chấp nhận 1 - 2 năm đầu MCC thua lỗ do yếu tố khách quan nhưng sau thua lỗ đó, bản thân DN phải tìm nguyên nhân đó từ đâu để khắc phục? Hơn nữa hệ thống Siêu thị Metro ban đầu có một cơ sở ở Hà Nội sau đó phát triển suốt từ Bắc đến Nam với 19 trung tâm trên cả nước cùng hàng ngàn nhân viên. Nếu lỗ triền miên, Metro lấy đâu ra tiền để tái đầu tư chứ chưa nói đến mở thêm các siêu thị mới. Trên cơ sở đó, dư luận hoàn toàn có quyền nghi vấn dấu hiệu chuyển giá của Metro.

Nói về yếu tố dẫn đến thương vụ này, Metro từng khẳng định, vì muốn giảm hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và cải thiện lợi nhuận. Giải thích này có vẻ hợp lý với việc báo lỗ liên tiếp thời gian qua?- Đúng vậy đây là giải thích rất hợp lý để càng chứng minh với việc báo lỗ liên tiếp thời gian qua. Nếu là tôi, tôi cũng giải thích như vậy. 

Không nên thu hút FDI bằng mọi giá

Liên tiếp thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về dấu hiệu "chuyển giá" của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận cuối cùng, tất cả vẫn chỉ là nghi vấn, ông đánh giá thế nào về các biện pháp chống chuyển giá đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam đang thực hiện? Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm chống chuyển giá của các nước khác?

- Phải khẳng định rằng, để ngăn chặn hành vi chuyển giá, các cơ quan quản lý của Việt Nam chưa làm được. Có 3 nguyên nhân, thứ nhất, hành vi chuyển giá của các DN liên kết ngày càng tinh vi và được che đậy kỹ càng, khó xác định. Thậm chí phải kiểm tra tỉ mỉ từng hợp đồng trong từng thương vụ mới phát hiện ra được. Thứ hai, dù từ 1/7/2014, cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với cơ quan thuế bất chấp lỗ lãi (APA) được phép áp dụng tại Việt Nam nhưng liên quan đến rất nhiều vấn đề về tài chính, chuyên môn kỹ thuật trong các giao dịch. Thứ ba, năng lực trình độ nhân lực thuế của ta hạn chế. Dù Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những văn bản hướng dẫn về chuyển giá thế nào, cách thức ra sao, nhưng mới chỉ đề cập đến tổng thể. Còn để kiểm tra được việc chuyển giá đó phải giám sát từ khi họ khai tài sản đầu tư vào cho đến các thương vụ mua bán, khi mua nguyên vật liệu, thuê nhân công… Không thể đợi đến cuối năm mới đi kiểm tra như cách chúng ta vẫn làm, vì cách này đã để sót quá nhiều biểu hiện chuyển giá. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn vận hành APA để chống chuyển giá thì với các nội dung thỏa thuận đòi hỏi ngân sách rất lớn để trang trải cho các chi phí liên quan đến các cuộc đàm phán, thỏa thuận của cơ quan thuế, vì chi phí để thực hiện tìm hiểu, ký kết hoạt thuận cũng như quản lý, theo dõi APA sẽ không nhỏ.

Về chế tài cũng rất quan trọng. Ở nước ngoài, luật hoá chống chuyển giá ở khung chế tài cao nhất. Mỹ luật hóa ngay trong các luật của Nhà nước, trong luật thuế cũng có những điều khoản về chống chuyển giá rất rõ ràng, minh bạch. Họ có cả một hệ thống dữ liệu cho rất nhiều ngành nghề khác nhau để có thể giám sát được hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề và những ngành nghề khác nhau từ đó giúp xử lý các số liệu tùy chỉnh và cũng răn đe luôn DN phải khai đúng, khai đủ. Chuyên gia Canada, Pháp hay Nhật Bản đều dựa trên các kinh nghiệm đó. Hay như Trung Quốc khi phát hiện DN trốn thuế thì phải chịu phạt từ 10 - 30 lần, khiến DN trước khi muốn trốn thuế cũng phải suy nghĩ kỹ. 

Được biết, khi gia nhập thị trường Việt Nam, MCC đã từng được giảm 50% thuế thu nhập trong 2 năm. Ngoài ra, Metro cũng được sở hữu những vị trí "đắc địa" không chỉ ở Hà Nội mà ở rất nhiều tỉnh, TP khác. Những ưu đãi này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của DN trong nước và theo ông có nên thay đổi cách thu hút đầu tư như hiện nay?

- Thời gian qua, để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn chân chính cũng có không ít các DN đã dựa vào chính sách này để thực hiện các "chiêu bài" trốn thuế. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài không nên chỉ chăm chăm xây dựng các ưu đãi, đưa ra những ưu đãi vượt khung. Thay vào đó, cần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới có đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư...
Sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam và liên tục mở rộng cơ sở kinh doanh song Metro chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghi
Sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam và liên tục mở rộng cơ sở kinh doanh song Metro chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng
Cuộc chơi mới của người Thái

Dư luận cho rằng, BJC sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi mua lại DN dính nghi án chuyển giá. Nói cách khác, Tập đoàn BJC đang gián tiếp giúp Metro thoát khỏi nghi án chuyển giá?

- Xét trên tổng thể, người Thái có lý riêng của mình cho thương vụ này. Từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ các cam kết trong Hiệp định CEPT/AFTA (Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN). Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu giữa các nước ASEAN là từ 0% - 5%. Do vậy, việc mua lại MCC Việt Nam sẽ giúp người Thái mở rộng thị trường nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí và thuế quan giữa các nước ASEAN. Khi bỏ ra số tiền lớn mua lại Metro chắc chắn tỷ phú người Thái này phải tính được lợi nhuận mà Metro mang lại so với số tiền bỏ ra, do đó nếu sau khi về tay ông chủ mới, Metro tiếp tục kêu lỗ, thì số lỗ đó là không bình thường.

Giả sử nếu phát hiện ra buộc tội trốn thuế thì sẽ xử lý thế nào khi mà DN này đã được bán lại? 

- Đại diện của MCC Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có bất kỳ sự thay đổi nào cho đến khi việc chuyển nhượng được hoàn tất (dự kiến giữa năm 2015). Nếu các vụ kiện tranh chấp trước thời gian này và phát sinh nghĩa vụ trả nợ thì pháp nhân Metro sẽ chịu trách nhiệm thanh toán. Còn sau thời gian đó, việc chủ mới hay chủ cũ của Metro là người phải chi ra số tiền mà Metro phải thanh toán sẽ do hợp đồng hai bên tự thỏa thuận riêng. Tuy nhiên, đặt ra giả thiết vậy chứ không ai dại mà lại hứng trách nhiệm của chủ cũ để lại, lúc này sẽ là thách thức cho cơ quan quản lý vì thực tế là chủ cũ đã rút và bán lại toàn bộ.

Liệu người Thái nắm giữ hệ thống bán buôn lớn nhất nhì Việt Nam với 19 siêu thị có tạo ra thách thức cho DN Việt hay không? 
- Dù chưa hé lộ tham vọng đưa hàng Thái vào chuỗi cung ứng của Metro song rất có thể kinh nghiệm của Tập đoàn BJC tại Family Mart sẽ được tỷ phú số 1 Thái Lan áp dụng tại chuỗi các siêu thị của Metro trong thời gian tới. Nếu điều đó xảy ra, hàng Việt sẽ có thêm một chướng ngại lớn mới. 

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, nên quy định tỷ lệ phần trăm hàng trong siêu thị?

- Việc quy định phần trăm hàng trong siêu thị là khó thực hiện vì chúng ta phải tuân thủ các quy định hội nhập. Do đó, liên kết là cái đáng lo ở DN Việt Nam bây giờ, không ai cứu DN bán lẻ Việt Nam bằng chính họ tự cứu mình. Các DN bán lẻ trong nước cũng cần chủ động tìm kiếm, xây dựng những kênh sản xuất, phân phối hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng.

Sau MCC Việt Nam, liệu sẽ có thêm các thương vụ chuyển nhượng tương tự khác trong thời gian tới không, thưa ông?

- Điều đó rất có thể xảy ra với các tập đoàn khác khi họ đã tìm kiếm đủ lợi nhuận và vì lý do nào đó họ rút "êm" như MCC. 

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần