Nhiều lời giải cho bài toán hàng tồn kho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập trung vào mặt hàng xuất khẩu mới, tìm nguồn vốn lãi suất hợp lý, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, triển khai sớm chương trình bình ổn giá ... là những phương án được đưa ra nhằm giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất.

Chia sẻ cùng doanh nghiệp

Ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Tập trung vào mặt hàng xuất khẩu mới là một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất được TP triển khai. Bên cạnh đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hà Nội tiếp tục có những hỗ trợ vốn sau đầu tư với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp (nguồn vốn này dự tính khoảng 60 tỷ đồng); Kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa. Ngoài ra, TP tiếp tục tập trung vào các chương trình trọng điểm như phát triển sản phẩm chủ lực, xúc tiến thương mại, xuất khẩu và tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn...

Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá đã được triển khai sớm hơn mọi năm. Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bắt đầu từ đầu tháng 4, TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình bình ổn thị trường cho tới Tết Quý Tỵ (2013). Năm nay, lượng hàng hóa các doanh nghiệp tham gia bình ổn tăng 20% so với năm ngoái. Nét mới của chương trình năm nay là các đơn vị tham gia bình ổn giá sữa cho người già và trẻ dưới 12 tháng cam kết giữ ổn định giá cả năm. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình hàng Việt về chợ truyền thống, khu công nghiệp và chế xuất.

Còn đối với Sở Công Thương An Giang, việc tìm đầu ra ổn định cho hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và cá tra đang được thực hiện quyết liệt. Hiện đang vào mùa thu hoạch rộ vụ đông xuân, trong khi lượng lúa gạo các doanh nghiệp được mua dự trữ không đáp ứng được nguồn cung thì vẫn còn một lượng lớn lúa hàng hóa vẫn nằm trong dân. Sở đã có đề xuất chính sách hỗ trợ thêm cho xuất khẩu gạo nhằm giải quyết thực trạng này. Bên cạnh đó, kho bãi chứa lúa gạo hiện nay chỉ đáp ứng được 50 - 60% sản lượng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khiến các DN gặp ít nhiều khó khăn nên cần có chính sách để khuyến khích nông dân tạm trữ gạo tại nhà.

Vơi đi nỗi lo tồn kho

Nhận xét về thực trạng hàng tồn kho hiện nay, ông Đào Xuân Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty KCP, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh phân phối bán lẻ - cho rằng: Cần phải tái cấu trúc kênh phân phối hiện tại đối với các DN nhỏ và vừa để quay vòng vốn nhanh mới mong bớt đi lỗi lo hàng đầy kho. Ông Khương phân tích: Có không ít doanh nghiệp chỉ xây dựng mạng lưới phân phối bán hàng của mình thông qua các đại lý lớn nên dễ bị phụ thuộc, không có thông tin phản hồi trực tiếp từ người tiêu dùng. Khi tiêu thụ hàng hóa khó khăn, doanh nghiệp muốn xây dựng lại chính sách bán hàng cho phù hợp thị trường cũng như tạo sức cạnh tranh với đối thủ sẽ khó nắm bắt xu hướng thị trường để có quyết sách phù hợp.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thịnh Phát - đưa ra lời khuyên: Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn các doanh nghiệp phải bình tĩnh, căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, không nên bán đổ bán tháo mà phải theo điều hành chung của Tổ điều hành xuất khẩu gạo. Tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của vài cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của các doanh nghiệp và nông dân.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn chia sẻ cách giải quyết giảm áp lực hàng tồn kho là tìm nguồn vốn có giá hợp lý: "Từ đầu năm đến nay, Giấy Sài Gòn đã huy động được hơn 10 triệu USD với mức lãi vay 1,7%/năm từ những đối tác Nhật Bản. Với nguồn vốn này, công ty tự tin hơn trong việc thực thi những chính sách bán hàng mới với nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng, nhằm duy trì thị phần và chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải" - ông Vị nói.

Nhiều giải pháp, nhiều cách làm nhưng cùng một mục tiêu giảm bớt nỗi lo hàng tồn kho, giúp các doanh nghiệp lấy lại mức tăng trưởng phù hợp.