Kinh nghiệm từ nước ngoài
TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế đầu tư Viện Kinh tế Xây dựng cho rằng, áp dụng BIM mang lại hiệu quả rất lớn. Bởi nhìn từ các nước đã áp dụng BIM trong xây dựng lẫn bảo trì, hoạt động quản lý, vận hành thường xuyên... có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD/năm.
"Hầu hết tại các nước đã ứng dụng BIM, chính phủ đều nhận thức được sự cần thiết của công cụ này trong quản lý xây dựng nên đã nhanh chóng thành lập các tổ chức phát triển BIM quốc gia để nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn và lộ trình để đảm bảo sự thành công cho việc áp dụng BIM ở quốc gia mình" - TS Tạ Ngọc Bình cho hay.
Tại Mỹ, Hội đồng dự án BIM (United States Project Committee) đã được thành lập ngay từ 2008 nhằm thúc đẩy sự phát triển BIM theo từng ngành, từng bang và trên cả nước, đồng thời công bố tiêu chuẩn quốc gia về BIM (National BIM Standard). Đến nay, tiêu chuẩn này đã ngày một hoàn thiện và chuẩn bị công bố phiên bản 3 (NBS-version 3).
Theo số liệu thống kê, tại Mỹ 49% nhà đầu tư sử dụng BIM trong dự án của họ và 47% nhà thầu xác nhận rằng các nhà thầu – chủ sở hữu và các nhà thầu khác giao tiếp thông qua BIM được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, BIM được sử dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp Mỹ (hơn 50% dự án sử dụng BIM), và khu vực tư nhân cũng đang tích cực áp dụng công nghệ này vì những lợi ích mà nó mang lại.
Australia đã ứng dụng BIM trong việc bảo trì các công trình lớn, như nhà hát Opera ở Sydney. Trong cuộc điều tra về năng suất xây dựng công trình hạ tầng công cộng năm 2014 đã cho thấy, việc bắt buộc áp dụng BIM đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng Úc.
Tại Trung Quốc, Viện nghiên cứu tiêu chuẩn công trình Trung Quốc (China Institute of Building Standard Design and Research) phối hợp với Tập đoàn đường sắt, BuidingSMART China đã đẩy mạnh việc áp dụng BIM cho các công trình phức tạp, quy mô lớn như tháp cao tầng (tháp trung tâm Thượng Hải, tòa nhà Citicorp Bắc Kinh…), cảng (tòa nhà cảng Thẩm Quyến), đường sắt cao tốc (tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải) nhằm giúp quản lý chất lượng công trình tốt hơn và tiết kiệm chi phí.
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chiến lược áp dụng BIM cho ngành xây dựng có thể thấy rằng, các nước áp dụng thành công BIM đều xác định đây là một chiến lược để tăng cường tính cạnh tranh, tăng năng suất thiết kế và thi công, giảm chi phí trong xây dựng và vận hành công trình.
Nhiều ưu điểm
Thành viên hội đồng quản trị - Trưởng Phòng cầu 2 Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Đường bộ (HECO) Đặng Vũ Tuấn cho biết, đơn vị đã khảo sát thiết kế nhiều công trình cầu lớn, đặc biệt như cầu vượt đầm Thị Nại (2470m), cầu Tân An (413m), cầu Đại Phước (520m); hay khảo sát thiết kế một số hầm chui như hầm chui nút giao Kim Liên, hầm chui nút giao Trung tâm hội nghị Quốc gia… Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Ông Đặng Vũ Tuấn chia sẻ, với dự án trên, các công việc thiết kế, xử lý số liệu cũng như quản lý của công ty đều được thực hiện trên máy tính, bằng các phần mềm chuyên dụng trên nền tảng BIM.
"Phần việc của tư vấn thiết kế chỉ là 1 phần trong BIM, tuy nhiên là bước đi đầu tiên, rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình. BIM không chỉ mang lại những thách thức về kỹ thuật và tổ chức còn mở ra những cơ hội lớn để tối ưu hóa quy trình xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu suất của dự án xây dựng" - ông Đặng Vũ Tuấn cho hay.
Nhìn nhận về hiệu quả của BIM, TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế đầu tư Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, qua tổng kết áp dụng BIM tại một số dự án giai đoạn vừa qua đã rút ngắn thời gian thi công; đồng thời yêu cầu sửa đổi khi triển khai thực hiện, vướng mắc xuất hiện ít đi.
"100% số dự án đánh giá BIM có góp phần giảm chi phí dự án, thuận lợi trong quá trình trao đổi thông tin thực hiện; 75% số dự án đánh giá có tiết kiệm vật liệu (5 - 12% chi phí vật liệu); 89,5% có góp phần rút ngắn thời gian thực hiện" - TS Tạ Ngọc Bình cho hay.