Nhiều lý do khiến tín dụng "ì ạch"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á lo ngại, có thể trong những tháng cuối năm tín dụng sẽ tăng hơn do yếu tố mùa vụ, nhưng không vượt quá 10%/năm.

Lo ngại tăng trưởng tín dụng vẫn “ì ạch” trong 9 tháng qua, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, những tháng cuối năm cần có một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy lượng vốn ra thị trường từ các ngân hàng.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế còn chưa cao. Tính đến tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 7%. Như vậy, từ nay tới cuối năm chỉ còn có 3 tháng, các ngân hàng sẽ phi tăng tốc độ cho vay để đạt thêm mức tăng trưởng 5-7%. 

Nhiều lý do khiến tín dụng "tắc"

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình tín dụng tăng chậm đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nêu, đó là do sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh… 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay tới cuối năm, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần có nhiều giải pháp tháo gỡ.
Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.
TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á lo ngại, có thể trong những tháng cuối năm tín dụng sẽ tăng hơn do yếu tố mùa vụ, nhưng không vượt quá 10%/năm.

Cũng theo TS.Cao Sỹ Kiêm: một trong những khó khăn gây “tắc” tín dụng lớn nhất hiện nay là thủ tục. Vấn đề này rất cần ngân hàng và doanh nghiệp phải chung sức cùng giải quyết. Trong đó, cần phải giải quyết tiêu chuẩn tín dụng . Hiện vốn ngân hàng còn nhiều, trong khi các doanh nghiệp cũng rất cần nhiều vốn, đặc biệt là vốn vay dài hạn là không tiếp cận được. 

“Tắc lớn nhất hiện nay, thứ nhất là “thủ tục”: hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có vi phạm nguyên tắc tín dụng, như: có nợ xấu; có nợ thuế; kinh doanh không có lãi . Với 3 vấn đề này, chiểu theo nguyên tắc tín dụng là không thể vay được, ngân hàng đương nhiên không thể cho vay. Nếu cố tình cho vay mà để xảy ra chuyện dẫn đến không thu hồi được nợ , thì sẽ bị quy trách nhiệm ngay. Trước hết về mặt thủ tục hành chính thì sẽ phải đền bù thiệt hại; thứ hai là bị quy “hình sự” . Cho nên việc tính toán cho vay được siết chặt là vì thế.

Ngoài tiêu chuẩn tín dụng ra còn một vấn đề nữa, đó là “đầu ra”. Tổng cầu hiện nay vẫn chưa tăng nhanh được, sức mua vẫn kém, cho nên nhiều doanh nghiệp sản xuất ra nhưng không bán được hàng. Từ đó dẫn đến nợ đọng, nợ quá hạn tăng lên ”, TS.Cao Sỹ Kiêm nói.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm lãi suất, chủ động tìm kiếm khách hàng, song tăng trưởng tín dụng vẫn đạt thấp. Đánh giá về thực trạng này, NHNN cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu và cân đối tài chính, nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Cho tới nay, tình trạng nợ đọng ngân sách và nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được giải quyết dứt điểm; do còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo nên tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm...

Bên cạnh nhiều nguyên nhân khác, một số chuyên gia kinh tế đồng tình, còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục cho vay cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến.

“Thông” thủ tục cần cả hai phía

Muốn giải quyết được những khó khăn gây “tắc” tín dụng ở trên, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần giải quyết được một số vấn đề: Thứ nhất, nền kinh tế phải có sức sống tốt hơn, chuyển động tốt hơn. Từ đó, tạo tổng cầu tăng lên, doanh nghiệp sản xuất khi đó mới bán được hàng, có điều kiện để phát triển.

Thứ hai, việc tắc tín dụng do thủ tục, đòi hỏi cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng chung sức để làm. Đối với ngân hàng, căn cứ vào những yếu tố vay, những dự án vay, đối tượng cho vay, để  có phân tích cụ thể cùng với doanh nghiệp. Nội dung nào có hiệu quả thực sự, đảm bảo có thể thu hồi được vốn, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn, để doanh nghiệp làm được và trả được nợ.

"Về phía doanh nghiệp, cũng cần phải thấy là ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, họ cũng phải đảm bảo vốn, đảo bảo an toàn, hiệu quả đồng vốn. Cho nên doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng với ngân hàng  để tạo ra yếu tố điều kiện, vươn lên vượt qua khó khăn. Ví dụ như, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, nhưng lại có dự án khả năng thực thi, trong quá trình thực hiện doanh nghiệp phải làm thế nào cho có kết quả cụ thể, qua quá trình đó, ngân hàng có thể đánh giá được chất lượng khoản cho vay...", TS. Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.

Xem xét giảm lãi suất 

Tại cuộc hội thảo mới về tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, cũng đã có nhiều đề xuất giải pháp cải thiện tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. 

Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ để ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với NHNN, cần tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng, làm cơ sở để các TCTD đẩy mạnh hoạt động tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu, hoàn thành dứt điểm tái cơ cấu những TCTD yếu kém còn lại, định hướng hỗ trợ thoái vốn của các DNNN, phối hợp giải bài toán “tăng trưởng tín dụng”, bao gồm cả tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ thị trường bất động sản;

NHNN cũng cần tăng cường phối hợp với chính sách tài khóa để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ ngân sách. Đồng thời, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%...

Một số ý kiến các cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tái cơ cấu, giảm chi phí và thủ tục hành chính, làm cơ sở để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; kiểm soát cho vay ngoại tệ trên cơ sở cân đối được nguồn vốn. 

Tiếp tục kiểm soát chất lượng, hiệu quả vay vốn, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu mới;Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghệ thông tin và thông tin quản lý...

Đối với các TCTD, cần tăng cường cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên và tín dụng bán lẻ; rà soát, đẩy mạnh cho vay theo các chương trình tín dụng đã thiết kế; tiếp tục rà soát, phân loại nợ và có giải pháp thích hợp, xem xét bán nợ xấu cho VAMC; 

Các TCTD cần thâm nhập sâu sát hơn trong hoạt động của doanh nghiệp để tăng hiệu quả thẩm định, nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...