Học viên cai nghiện được lao động, học nghề để tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Oanh Trần |
Công tác cai nghiện ma túy được TP Hà Nội quan tâm lãnh đạo, triển khai toàn diện trên tất cả các mặt với nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bởi vậy, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã giảm từ 20.964 người năm 2010 xuống còn 13.021 người tính đến tháng 5/2020. Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (PCTNXH), Sở LĐTB&XH Hà Nội Phùng Quang Thức cho biết: Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu điều trị nghiện ma túy của người nghiện và gia đình họ, TP đã xây dựng Đề án thí điểm cai nghiện tự nguyện trong 2 năm (2015 – 2016), qua đó giảm nhiều người phải vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Đến nay, sau gần 5 năm (từ tháng 1/1/2016 đến 14/5/2020) công tác cai nghiện trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có 9.914 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện; ước thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 là 10.908 lượt người, đạt 114,8% theo kế hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 3 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đã tổ chức cai cho 4.859 người. TP đã hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đồng thời áp dụng một hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị thay thế bằng Methadone trên cơ sở đăng ký của người nghiện.
Những xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện để tổ chức điều trị cai nghiện sẽ phối hợp với cơ sở cai nghiện ma túy hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện trong 15 ngày sau đó về địa phương quản lý, giúp đỡ. Do vậy đến nay đã có 2.283 lượt người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; ước thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 là 2.523 lượt người, đạt 168,2% kế hoạch. Về cai nghiện bắt buộc được các sở, ngành và địa phương tích cực thực hiện, với 3.601 lượt người đi cai; ước thực hiện cả giai đoạn là 4.052 lượt người, đạt 135,1% kế hoạch.
Hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng
Dù công tác cai nghiện ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực, kìm chế được số người nghiện gia tăng song chưa vững chắc. Do đó, TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả trong quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy và công tác quản lý sau cai... “Các chính sách đặc thù của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người nghiện và gia đình họ, nhất là chính sách hỗ trợ người cư trú tại Hà Nội tự nguyện cai nghiện. Nhờ đó, đã thúc đẩy công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện. TP đã duy trì và phát triển nhiều mô hình hiệu quả trong phòng chống tệ nạn xã hội như mô hình Câu lạc bộ B93 tại 37 phường, thị trấn trở thành địa điểm sinh hoạt, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần và sinh kế của người nghiện, người sau cai nghiện ma túy” – Chi cục trưởng Phùng Quang Thức nhấn mạnh.
Năm 2019 Hà Nội xây dựng 3 đề án, mô hình mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Đã có 2 mô hình được triển khai là “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”; đã tư vấn, chuyển gửi 197 người nghiện ma túy đến các dịch vụ xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV, điều trị Methadone, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, điều trị sức khỏe tâm thần... Bước đầu, hai mô hình tạo được niềm tin cho người nghiện ma túy tại cộng đồng, đem lại các lợi ích thiết thực cho họ...
Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho TP triển khai thực hiện các giải pháp, mô hình cai nghiện ma túy hiệu quả. Đồng thời có kiến nghị với Bộ LĐTB&XH về chính sách pháp luật, kinh phí, đào tạo tập huấn cho đội ngũ làm PCTNXH để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.