Cụ thể, biểu lãi suất huy động niêm yết tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ghi nhận mức giảm từ 0,2-0,25%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất cao nhất đã giảm từ 7,7%/năm xuống còn 7,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Còn với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất huy động được VIB giảm từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm. So với biểu lãi suất niêm yết trước đó, các mức huy động này đã giảm từ 0,25-0,5%/năm. ABBank còn giảm mạnh lãi suất kỳ hạn từ 15 tháng trở lên từ mức 8,3%/năm xuống còn 7,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại ABBank vẫn giữ mức 8,5%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank), dù lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cập nhật hồi đầu tháng 6/2023 đã ở mức 4,5%/năm, dưới trần theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước nhưng PvcomBank vẫn tiếp tục giảm lãi suất các kỳ hạn này xuống 4,25%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), tuy lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn chưa điều chỉnh nhưng lãi suất một số kỳ hạn khác đã giảm 0,2%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng theo đó giảm còn từ 7-7,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 7,4%/năm.
Trước đó ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Trong đó quy định lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Quyết định hiệu lực từ ngày 19/6.
Dù Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng giới chuyên gia dự báo lãi suất các kỳ hạn dài cũng sẽ giảm trong thời gian tới.