Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng, 6 ngân hàng hạ lãi suất cho vay

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh nới room tín dụng năm 2021. Trong đó, có ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) từ 8,5% lên 12,1%; cũng có ngân hàng được nới từ 10,5% lên 15%...

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được nâng room tín dụng từ 10,5% lên 15%; VPBank được nâng room tín dụng từ 8,5% lên 12,1%; Vietcombank tăng room từ 10% lên 14%; Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%, VIB từ 8,5% lên 14,1%, TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%...

 Agribank vừa công bố giảm lãi suất cho vay

Được biết, các ngân hàng được chấp thuận cho tăng room tín dụng đều là những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel 2, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cho vay vào lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, đi cùng việc chấp thuận, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Chấp hành các quy định pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu.

Các ngân hàng phải tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Giảm dần tỷ trọng cho vay với bất động sản, tăng cường quản lý ro với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng , thực hiện thẩm định khách hàng chặt chẽ trước cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế phát sinh nợ cần chú ý, nợ xấu. 

Tại cuộc họp ngày 12/7 giữa Hiệp hội ngân hàng với 16 ngân hàng lớn nhất hệ thống liên quan việc giảm lãi suất cho vay mới đây, hàng loạt nhà băng bày tỏ mong muốn được NHNN nhanh chóng cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Đến trưa nay (16/7) đã có 6 ngân hàng công bố cụ thể phương án giảm lãi suất cho vay sau cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng.

Cụ thể, Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp: Giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 09 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giảm lãi suất tới 1%/năm cho các khách hàng còn lại. Đối với khách hàng cá nhân: Giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Vietcombank cho biết, đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với qui mô khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa cho biết tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ. Căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VND của nhà băng này.

Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 & Thông tư 03: Giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 – 4%/năm). Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ/ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, Ngân hàng nhà nước: Giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại. Khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương: Giảm lãi suất 2%/năm so với mức hiện tại đối với các khách hàng tại địa bàn khu vực phía nam (hiện nay đang có diễn biến phức tạp của dịch Covid) và giảm 1,5% đối với các khách hàng ở địa bàn khác. Riêng đối với các lĩnh vực, sản phẩm tiềm ẩn rủi ro cao (Kinh doanh bất động sản, chứng khoán), MB chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.

Cuối ngày hôm qua 15/7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Agribank cũng công bố giảm lãi suất. Theo đó ACB giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xét mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng đang vay. Những khách hàng thuộc đối tượng sẽ được ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 đến 15/10. 

Agribank công bố giảm lãi suất với mức giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, áp dụng đối với khoản vay tại thời điểm 15/7 kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Với việc giảm lãi suất lần này, Agribank ước tính dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Trước đó ngày 14/7 Sacombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay với mức 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…  Đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.