Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong tháng 7/2025
Kinhtedothi – Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội dự báo, trong tháng 7/2025, những ngành nghề có nhu cần tuyển dụng lao động tăng cao tại thị trường lao động Thủ đô là dịch vụ du lịch, lữ hành; y tế - chăm sóc sức khỏe; công nghiệp chế biến chế tạo; thương mại dịch vụ.
Nhu cầu tuyển dụng trên 68.000 người lao động
Với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, trong tháng 6/2025, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 người lao động, tăng hơn 2.800 người so với tháng 5/2025. Qua đó nâng tổng số 6 tháng đầu năm 2025, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 125.084 người lao động.
Thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN tại thị trường lao động Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay: tháng 6/2025, ước tính nhu cầu tuyển dụng trên toàn TP đạt trên 68.000 vị trí, tăng mạnh so với tháng trước. Sự gia tăng đột biến này cho thấy các DN đang đẩy mạnh tuyển dụng để đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho nửa cuối năm, phản ánh sự lạc quan trước các tín hiệu phục hồi tích cực của kinh tế trong nước, đặc biệt là ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch và đà tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn việc làm trực tuyến cho người lao động. Ảnh: Trần Oanh
Trung tâm DVVL Hà Nội khảo sát, thu thập thông tin 4.340 việc làm trống của 892 DN cho thấy, lĩnh vực thương mại – dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,48%; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 17,06%, xây dựng 11,73%. Các DN trong lĩnh vực này tập trung tuyển dụng những vị trí phổ biến là nhân viên bán hàng, thu ngân, kinh doanh, chăm sóc khách hàng và kỹ thuật viên lắp đặt – bảo trì dịch vụ. “Sự sôi động của lĩnh vực thương mại – dịch vụ phản ánh nhu cầu tiêu dùng đang dần hồi phục và phát triển theo hướng đa kênh, trong đó thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần (logistics) ngày càng đóng vai trò quan trọng” – ông Vũ Quang Thành cho biết.
Về cơ cấu nhu cầu tuyển dụng theo yêu cầu trình độ có sự thay đổi trong tháng 6/2025. Các DN chủ yếu tuyển lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 42,6% tổng số nhu cầu tuyển dụng; tiếp đến là lao động phổ thông 22,65%; trình độ cao đẳng 11,55%. Các DN tập trung tuyển dụng các vị trí nhân viên văn phòng, dịch vụ, bán hàng, kỹ thuật, có bằng cấp từ cao đẳng/đại học nhằm ổn định tình hình hoạt động trong nửa cuối năm.

Người lao động ứng tuyển trả lời phỏng vấn doanh nghiệp tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Về mức lương, các DN chủ yếu chi trả cho người lao động từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 71,5% tổng số nhu cầu tuyển dụng; đây là mức lương phổ biến cho các vị trí nhân viên tư vấn ngân hàng, công nhân sản xuất, thợ lắp ráp, công nhân xây dựng. Tiếp đến, các DN chi trả cho người lao động mức lương từ 10 – 20 triệu đồng, chiếm 24,4% dành cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao như kế toán, quản lý bán hàng và tiếp thị, kỹ sư xây dựng...
Dịch vụ du lịch, lữ hành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất
Trong tháng 6/2025, thị trường lao động Hà Nội có khoảng 34.400 người lao động cần tìm việc làm. Khảo sát, thu thập thông tin 2.068 hồ sơ của người tìm việc làm của Trung tâm DVVL Hà Nội cho thấy: mức lương mong muốn của người tìm việc chủ yếu ở phân khúc phổ thông, từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 87,25%; từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, chiếm 11,7%; mức lương trên 20 triệu đồng/tháng chiếm khoảng 1%.
Người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi lao động từ 35 – 54 tuổi, chiếm 46,3%; nhóm tuổi từ 25 – 34 tuổi chiếm 41,05%; nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi chiếm 10,06%.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tập trung vào các nhóm nghề: thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị, chiếm 29,43%; nhà chuyên môn bậc trung, chiếm 15,27% và lao động giản đơn chiếm 15,37%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo chiếm 46,64%, với các công việc như Công nhân sản xuất, Nhân viên bán hàng... Tiếp đến là người lao động trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ nghề chiếm 23,1% tập trung tìm các công việc như công nhân lắp ráp linh kiện, thợ cơ khí, thợ xây dựng...

Nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố. Ảnh: Trần Oanh
Thực hiện các chính sách về thị trường lao động, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm (GDVL), có 644 lượt đơn vị, DN tham gia tuyển dụng với tổng số 15.167 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Đã có 2.957 lượt người lao động được phỏng vấn tại các phiên GDVL, 699 người được nhận hồ sơ, tuyển dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL Hà Nội tăng cường công tác tư vấn, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động thất nghiệp. Đồng thời, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trên hệ thống Sàn GDVL Hà Nội...
Về bức tranh thị trường lao động Thủ đô, Trung tâm DVVL Hà Nội dự báo, tháng 7/2025 cao điểm du lịch là động lực thúc đẩy các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch lữ hành, lưu trú ăn uống, vận tải của TP tăng trưởng mạnh trong tháng. Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường thu hút FDI cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, cơ khí, xây dựng...
“Thị trường lao động Hà Nội trong tháng 7/2025 được dự báo tăng trưởng ổn định nhờ sự tăng trưởng tích cực của các nhóm ngành dịch vụ, du lịch lữ hành, đầu tư công và FDI. Một số ngành có nhu cầu nhân lực cao như dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%; y tế - chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 4%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,5%; thương mại dịch vụ tăng 3%” - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết.
Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp với UBND các xã, phường trên địa bàn TP trong những hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm, tuyên truyền và cung ứng kịp thời thông tin thị trường lao động cho DN, người lao động.
Đồng thời, Trung tâm DVVL Hà Nội triển khai đồng bộ, đa dạng nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy trong các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn TP.

Trên 875.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm
Kinhtedothi – Số lao động trên cả nước có việc làm làm đạt 52 triệu người; có trên 875.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2025.

Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 125.000 người lao động
Kinhtedothi – Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 125.000 người lao động, đạt 74% kế hoạch năm.
Nhiều quy định mới về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức theo vị trí việc làm có hiệu lực
Kinhtedothi-Nghị định mới ban hành tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm (VTVL); đối tượng tiếp nhận vào công chức; bố trí VTVL đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi VTVL và xếp ngạch công chức tương ứng với VTVL; chế độ thôi việc đối với công chức...