Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô mua hàng tích trữ, giá thực phẩm tăng gấp nhiều lần

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau quyết định chính thức về việc thực hiện giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận trong sáng này (8/7) rất đông người dân đổ xô đến các chợ và siêu thị trên địa bàn TP để mua lương thực, thực phẩm tích trữ, khiến nhiều mặt hàng bị đẩy giá lên gấp 2-3 lần so với những ngày trước đó.

Thịt, cá “cháy hàng”
Vội vàng đi mua hàng thực phẩm thiết yếu từ tờ mờ sáng, Chị Hoàng Ngọc Anh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hôm qua ra muộn không còn tí cá, thịt nào vì vậy chị rút kinh nghiệm sáng nay đi thật sớm, nhưng không ngờ đến chợ không khí mua bán đã tấp nập.
“Mới 5 giờ 30 sáng, mà rất nhiều quầy thịt bò, thịt heo hết hàng. Tranh thủ lắm tôi cũng mua được 5 kg thịt heo, hy vọng có thể cầm cự đến khi TP hết giãn cách” - chị Ngọc Anh nói.
 Bất chấp giá rau, thịt cá tăng vọt, nhiều người dân TP vẫn vội vàng lo lắng đi chợ trước khi giãn cách toàn TP
Tương tự, chị Lê Thị Nhã Uyên (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, bình thường cách vài ngày mới chị mới đi siêu thị một lần để mua thực phẩm cho cả gia đình. Sáng nay ra đến chợ, chị tá hoả khi nhiều mặt hàng đã hết sạch dù chợ chỉ vừa mở được vài chục phút.
“Thịt, cá hết sạch từ sớm. Nhiều tiểu thương lợi dụng tăng giá nhưng tôi vẫn phải bấm bụng mua” - chị Uyên chia sẻ.
Nhiều khách hàng đi chợ trễ cũng cùng cảnh ngộ với chị Uyên khi không còn gì để lựa chọn. Nhiều người chấp nhận chen chúc tại một số quầy còn bán để mua số thịt, cá còn lại với giá đắt đỏ.
Theo ghi nhận, tại nhiều điểm bán lẻ xung quanh chợ ở TP Hồ Chí Minh như An Sương (quận 12) Xóm Chiếu (quận 4), Bùi Văn Ba, Tân Mỹ (quận 7)... lượng khách hàng đến mua sắm cũng đông so với những ngày trước.
“Sườn non, ba rọi rút xương lên mức 250.000 đồng/kg thay vì 170.000 như trước, nạc vai 180.000-200.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 250.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg...” - khách hàng Lê Thị Ngọc, phường Tân Hưng Thuận (quận 12) cho biết.
Lý giải cho việc tăng giá này, nhiều tiểu thương có cùng câu trả lời, do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển thịt, cá tươi sống trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, dù giá bị đẩy lên cao vẫn “cháy hàng”.
Trong sáng nay (8/7), không chỉ ở các chợ, mà tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP sáng nay cũng rất đông người đứng xếp hàng khai báo y tế để vào mua sắm.
 Quầy thịt bò, thị heo tươi trong siêu thị ở TP Hồ Chí Minh trống trơn khi lượng người đến mua sắm tăng đột biến 
Tại siêu thị Emart (siêu thị lớn nhất quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), người dân xếp hàng chen chúc mua đồ ăn, nhiều sản phẩm đã trở nên khan hiếm, “cháy hàng”. Đặc biệt, khu vực bán đồ tươi sống như thịt, cá, tôm luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
“Khác với lần bùng dịch trước, thay vì mua mì tôm, bún khô, gạo…người tiêu dùng lần này mua nhiều thịt, cá. Có thể, gạo đã được bà con mua nhiều từ sớm” - nhân viên siêu thị Emart cho hay.
Rau tăng giá 3-4 lần vẫn tranh nhau mua
Khi nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP đóng cửa, cũng là lúc các xe bán rau, củ quả dạo cũng tranh thủ bán giá cao: “Vì là ngày cuối trước khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên tôi tranh thủ lấy nhiều hàng, bán nốt hôm nay rồi nghỉ” -  anh Nguyễn Văn Phong, người bán rau dạo trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Trước chợ Bình Tiên (quận 6, TP Hồ Chí Minh) đã đóng cửa, nhiều điểm bán lưu động của tiểu thương xuất hiện ven đường, người mua kẻ bán tấp nập, giá rau bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần những ngày trước đó, nhưng người dân vẫn dành nhau mua.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân (Phạm Văn Chí, quận 6) than thở: “tôi mua trái bí xanh nhỏ xíu 60.000 đồng, ký cải xanh cũng hét 80.000 đồng, trong khi ngày thường những loại này chỉ đáng giá vài đồng bạc” – cô Vân ngao ngán.
 Giá rau xanh tăng mạnh gấp 3-4 trong ngày cuối cùng trước khi TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện giãn cách xã hội toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19
Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt hiện ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg...
“Không chỉ giá rau bán lẻ tăng, mà giá bán sỉ cũng đã tăng từ chiều hôm qua (7/7). Trong đó, rau cải ngọt giá sỉ tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg, cà rốt lên 20.000 đồng/kg trong khi vài ngày trước chỉ 10.000 đồng/kg” – anh Huỳnh Tấn Vũ, tiểu thương bán rau trước chợ Bình Tiên chia sẻ.
Hỏi giá từng loại rau một, rồi chọn loại rẻ nhất để mua, cô Nguyễn Thị Nhung (quận 4) cho biết, hôm nay tất cả các rau, củ, quả đều tăng giá mạnh.
“Biết là bị đẩy giá nhưng vẫn phải mua một ít để trong nhà, phải tự lo cho gia đình mình trong những ngày giãn cách sắp tới” – cô Nhung nói.
Một số tiểu thương hàng rau củ cho biết, rau xanh nhập tới đâu bán hết tới đó, nhưng họ chỉ dám nhập những hàng hoá có thể trữ lâu như củ, quả, còn mặt hàng rau lá nhập rất hạn chế.
"Với các loại rau lá như cải ngọt, mồng tơi, cải cúc... giá chợ lẻ rất cao, có mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba lần" - chị Như, tiểu thương bán ở khu vực chợ Đo Đạc (TP Thủ Đức) nói.
TP Hồ Chí Minh không thiếu hàng hoá, người dân có thể an tâm
Tối ngày 7/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Người dân chỉ được ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp...
Trong cuộc họp chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP cũng khẳng định, TP không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, TP đã tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.
TP cũng phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương.
Trong thời gian giãn cách xã hội, TP cũng sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.