Nhiều nguy cơ, lắm thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ cùng Liên minh châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với Nga, trong đó nhằm vào các ngân hàng lớn của nước này.

Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, đây không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhưng các nhà quan sát cảnh báo điều này có thể kéo toàn thế giới vào một cuộc chiến thương mại mới. Biện pháp đầu tiên trong "gói" trừng phạt mới của EU là đóng băng tài khoản ngân hàng và cấm đi lại đối với 4 nhân vật thân cận của Tổng thống Putin và 3 công ty. Danh sách đen của EU hiện bao gồm 87 cá nhân và 20 tổ chức. Như vậy, Nga đã phải đón nhận 2 loạt lệnh trừng phạt mạnh liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tuần. Bởi trước đó vào ngày 16/7, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất đối với Nga, với mục tiêu chủ yếu nhằm vào các công ty năng lượng, tài chính cũng như quốc phòng hàng đầu của Nga, trong đó có tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Nga Rosneft, tập đoàn khí đốt lớn thứ 2 Novatek, ngân hàng có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga. Các trừng phạt mới này chắc chắn sẽ  làm trầm trọng thêm quan hệ giữa Nga với phương Tây, vốn đang ở mức căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.    Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, các biện pháp trừng phạt được xem như một "lời cảnh báo mạnh mẽ" rằng, hành động việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 là không thể chấp nhận và khiến kinh tế Nga phải "trả giá nặng nề". Tuy nhiên, đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo động thái này sẽ phản tác dụng và đẩy quan hệ Nga với phương Tây vào "ngõ cụt", thậm chí sẽ tạo ra hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông”. Ông Putin cho biết, sẽ xem xét chi tiết các lệnh trừng phạt để nắm rõ phạm vi ảnh hưởng nhưng có một điều có thể chắc chắn là động thái này sẽ gây tổn hại các lợi ích quốc gia của Mỹ về dài hạn. Nghĩa là những doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động tại Nga sẽ mất đi khả năng cạnh tranh với các công ty năng lượng toàn cầu khác.Dù các biện pháp trừng phạt vừa được phương Tây áp dụng có nguy cơ trở thành đòn đánh quyết định đối với nền kinh tế Nga vốn tăng trưởng gần như bằng không. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt chống Nga có thể làm gia tăng rủi ro đối với những ngân hàng có giao dịch làm ăn với hai nước này. Theo đó, các doanh nghiệp Nga có thể đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn thu và các nguồn tài chính, từ đó dẫn tới nguy cơ không thể trả nợ. Các ngân hàng Áo là những thể chế dễ bị tổn thương nhất và những hậu quả đối với các ngân hàng này có thể ảnh hưởng tới các kênh tín dụng tại châu Âu. Ngoài ra, các ngân hàng Pháp, Italia và Thụy Điển cũng đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với các ngân hàng của các nước phát triển. Ngoài ra, IMF cũng nêu bật những nguy cơ về gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu. Nga cung cấp khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu Âu và một nửa trong số đó trung chuyển qua Ukraine. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Trung, Đông và Đông Nam Âu đều phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, với tỷ lệ từ 40 - 100%. 

Hiện, chưa rõ hậu quả của các đòn trừng phạt đối với nền kinh tế Nga cũng như những tác động tiêu cực dội trở lại các nước châu Âu nhưng có một điều chắc chắn là động thái này sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho chính quyền Moscow, không ít thách thức đối với chính trường, thương trường toàn cầu.