Nhiều nước lên tiếng tình hình Biển Đông: Chưa đủ để thay đổi hành vi áp bức của Trung Quốc

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cơn sóng ngầm trên Biển Đông đã một lần nữa dâng cao trước việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 tới xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính.

 PGS. TS Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Hawaii (Mỹ).
Trao đổi với Báo Kinh tế &Đô thị, PGS. TS Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Hawaii (Mỹ) đã chia sẻ quan điểm về hướng đi của Việt Nam trong bối cảnh này.
Ông nhận định sao về việc nhóm tàu khảo sát địa chấn HD-8 của Trung Quốc hoạt động gần Bãi Tư Chính trên Biển Đông vừa qua?
- Hành động xâm phạm chủ quyền này này cho thấy, các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đang ngày càng trở thành nạn nhân của chính sách “chia để trị” của Trung Quốc. Những quốc gia nhỏ thường phụ thuộc vào các cường quốc về phát triển kinh tế và an ninh.
Từ hành vi trên, tôi cũng muốn lưu ý tới yêu sách "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc cùng các hành động đơn phương và áp bức của Bắc Kinh dựa trên yêu sách này. Những tuyên bố và hành động tương tự đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ vào năm 2016.
Trung Quốc đã bác bỏ các phán quyết trên dù chúng thực sự đại diện cho luật pháp quốc tế. Thậm chí Bắc Kinh có thể lợi dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để vô hiệu hóa các phán quyết.
Tồi tệ hơn là Trung Quốc có thể dùng COC (nếu được đàm phán và thông qua theo hướng có lợi cho Trung Quốc) để “giăng bẫy” chống lại các phán quyết của PCA, vô hình chung biến thành công cụ của Trung Quốc xoay chuyển tình hình ở Biển Đông theo hướng có lợi cho nước này.
Vừa qua, một loạt các quốc gia đã lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Điều này có ý nghĩa gì và Việt Nam phải tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như thế nào?
- Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tại Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong năm nay đã phản ánh đúng quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề Biển Đông. Một trong những phương thức chính để duy trì Tầm nhìn Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và cởi mở là phản đối hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, những gì Mỹ đã và đang làm là chưa đủ để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, không đủ để thay đổi hành vi áp bức của Trung Quốc.
 Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Tại Biển Đông, Mỹ cần phải làm nhiều hơn thay vì chỉ duy trì các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP). Theo hướng này, Mỹ có thể gửi tàu các đội tàu cảnh sát biển, thay vì tàu Hải quân, để duy trì thượng tôn luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ và ủng hộ của các quốc gia trong khu vực cũng đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines và Malaysia. Có một câu ngạn ngữ phương Tây cho việc này, đó là “cần tới hai người để nhảy điệu tango”. Các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác với cộng đồng quốc tế và có thể hỗ trợ phù hợp.
Cho đến nay, Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện yêu sách “Đường Chín Đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông có ý nghĩa như thế nào?
- Phán quyết của PCA năm 2016 đã khẳng định rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Do đó, về pháp lý, khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát vào tháng trước và khu vực mà Lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân của Trung Quốc sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và khu vực lân cận nằm đều không bị tranh chấp và thuộc hoàn toàn vùng EEZ của Việt Nam. Đây là điều hoàn toàn không thể tranh cãi!
Liệu Việt Nam có thể chọn phương án pháp lý như Philippines đã làm?
Như tôi đã nêu, khu vực mà nhóm tàu khảo sát HD8 tiến hành hoạt động vào tháng trước, cũng như khu vực mà Lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân của Trung Quốc sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và khu vực lân cận nằm đều không bị tranh chấp và thuộc hoàn toàn vùng EEZ của Việt Nam. Do đó, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực rất có khả năng thắng kiện dễ dàng.
Tuy nhiên, vấn đề là có nên thực hiện phương án này ngay hay tìm một thời điểm thích hợp, còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Những gì Việt Nam cần làm không phải ngay lập tức là đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Thay vào đó là thu thập tất cả bằng chứng vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và công khai chúng. Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng và khéo léo cho quá trình pháp lý để tối đa hóa cơ hội giành chiến thắng tại tòa nếu chọn lựa phương án đó.

“Việt Nam hoan nghênh cộng đồng quốc tế chung tay duy trì an ninh, hòa bình ở Biển Đông”

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12/9, phóng viên đã đặt ra câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước việc Bộ Quốc phòng Anh dự kiến đưa tàu sân bay tới Biển Đông vào năm 2021, cũng như việc vừa qua các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức đồng loạt bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông.

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-8) của Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần.Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS).

"Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực", bà Hằng cho biết.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải.

Việc duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này. (Cẩm Anh ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần