Nhiều nước phản đối hành động của Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp những ngày qua, giới chức và các chính trị gia Mỹ đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Trong một tuyên bố mới nhất, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã cảnh báo Trung Quốc sẽ "bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại" trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại liên quan tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam).
Tàu Hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam).
Bà Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích". Đồng thời, hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng, Trung Quốc "muốn được chào đón và thừa nhận là một cường quốc, không chỉ trong khu vực mà ở tầm cỡ toàn cầu". Trước đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney hôm 14/5 tuyên bố, tranh chấp trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương - 981 tại vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý (193km) cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải đe dọa. Dù Mỹ không phải là một bên tranh chấp, song, Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du châu Á mới đây đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình về các vụ tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, Hạm đội 7 của Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Washington trong khu vực Thái Bình Dương hôm 15/5 đã tái khẳng định mong muốn được có các mối quan hệ hải quân mạnh mẽ hơn với Việt Nam. Cùng ngày, tại Hà Nội, trong buổi tiếp Đại tá Kenil Gentry - Giám đốc Đại học Thủy quân Lục chiến Mỹ đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp hôm 14/5 cho biết: "Pháp quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông. Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại". Kể từ khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trái phép ở Biển Đông, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Theo các chuyên gia Bỉ, tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á cần đoàn kết thành một khối để ngăn cản hành động của Trung Quốc, vì việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các quốc gia khác là đi ngược lại luật pháp quốc tế, là vấn đề nguy hiểm trên bình diện quốc tế. Các nhà bình luận của Thụy Sĩ, Canada, Đức đều có chung nhận định, ý đồ của Trung Quốc mang tính chính trị, thể hiện ý đồ tranh giành lãnh thổ với các nước láng giềng và điều này là không thể chấp nhận được. Dư luận quốc tế cho rằng, đã đến lúc, Trung Quốc phải ngồi lại với các nước ASEAN để đàm phán và tìm một giải pháp hòa bình, tránh xung đột vũ trang.