Nhiều nút giao “giảm nhiệt” ùn tắc

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TP Hà Nội tổ chức lại giao thông hàng loạt nút giao, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc. Mặc dù còn nhiều bất cập nhưng không thể phủ nhận rằng, những khu vực giao thông được tổ chức lại ngày càng thông thoáng, người dân di chuyển thuận tiện hơn.

Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh không còn cảnh ùn tắc. Ảnh: Phạm Công  
Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh không còn cảnh ùn tắc. Ảnh: Phạm Công  

Chuyển biến tích cực

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại những nút giao được tổ chức lại như: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh những ngày gần đây, vào giờ cao điểm, ùn tắc giao thông đã "giảm nhiệt".

Tại nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, cấm phương tiện rẽ trái, quay đầu trên tuyến đường Trần Duy Hưng (theo chiều từ Trần Duy Hưng đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại) khiến tình trạng giao thông qua khu vực cải thiện đáng kể. Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh cũng không còn tình trạng ùn ứ kéo dài hàng kilomet vào giờ cao điểm. Đặc biệt, sau hơn một tuần được lắp đặt dải phân cách cứng, Sở GTVT Hà Nội liên tục điều chỉnh, khắc phục những phát sinh, tình trạng giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi cũng đã ổn định hơn.

Anh Lại Xuân Cường trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Từ khi được tổ chức lại giao thông, giờ cao điểm các phương tiện đi từ đường Vũ Trọng Khánh rẽ trái, không phải đối đầu với lượng lớn phương tiện từ đường Tố Hữu như trước. Giao thông cũng vì thế mà bớt cảnh lộn xộn, ùn tắc”.

Cũng theo anh Lại Xuân Cường, việc tổ chức lại giao thông đã giúp người tham gia giao thông tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi di chuyển qua tuyến đường Tố Hữu. Hơn nữa, người tham gia giao thông không còn phải chịu cảnh chen nhau nhích từng chút một trên tuyến đường này.

Anh Lê Văn Quang, tài xế xe buýt có lộ trình qua đường Nguyễn Trãi cho biết: “Từ khi cấm dòng phương tiện rẽ trái từ Nguyễn Trãi sang đường Láng, tình hình giao thông được cải thiện rõ rệt. Việc phân làn xe buýt đã cho thấy hiệu quả khả quan. Trước đây vào giờ cao điểm, phương tiện chen chúc nhau, xe máy, ô tô tham gia giao thông chồng chéo tạo nên một khung cảnh hỗn loạn”. Theo anh Quang, từ khi được tổ chức lại giao thông, việc di chuyển cũng trở nên an toàn hơn khi xe buýt chỉ đi chung làn với xe máy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tài xế ô tô đi vào làn xe máy và ngược lại.

Đường Trường Chinh không còn cảnh ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm sau khi các phương tiện bị cấm rẽ trái vào đường Láng. Ảnh: Phạm Công
Đường Trường Chinh không còn cảnh ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm sau khi các phương tiện bị cấm rẽ trái vào đường Láng. Ảnh: Phạm Công

Phương án tức thời hiệu quả và tiết kiệm

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, trong khi hạ tầng ở Hà Nội còn chưa phát triển kịp với mức độ gia tăng phương tiện, việc tổ chức lại giao thông là phương án tức thời đem lại hiệu quả nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.

“Để việc tổ chức lại giao thông ngày càng hiệu quả, ý thức của người dân góp phần không nhỏ trong việc quyết định phương án điều chỉnh có thành công hay không. Do đó, cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính đối với người cố tình vi phạm quy định” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần theo dõi, nghiên cứu phương án tổ chức, điều chỉnh giao thông cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể như việc tăng, giảm khoảng cách điểm mở quay đầu tại một số nút giao vừa tổ chức lại giao thông; kéo dài dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi hay bố trí biển báo to, rõ ràng, nằm ở những vị trí dễ quan sát để tránh người dân đi nhầm phần đường quy định…

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi điều chỉnh tổ chức lại giao thông, tình hình giao thông tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện. Thời gian chờ đèn tín hiệu để qua nút đã giảm một nửa, phương tiện lưu thông thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, tại một số điểm tổ chức lại, người tham gia giao thông còn chưa tuân thủ theo quy định mới, nhiều người vô tình vi phạm do chưa nắm được phương án điều chỉnh, không để ý biển báo nhưng cũng không ít người cố tình vi phạm.

Tới đây, sau khi hết thời gian thí điểm, áp dụng phương án điều chỉnh chính thức, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp với CSGT xử phạt nghiêm các phương tiện vi phạm. Đồng thời, Sở GTVT sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện đếm xe để điều chỉnh tổ chức lại trên nhiều tuyến đường khác.

 

Việc điều chỉnh tổ chức giao thông khi hạ tầng chưa đáp ứng, tỷ lệ phương tiện quá tải so với mặt đường là cần thiết. Tôi rất ủng hộ việc làm này, tuy nhiên, cần phải tiếp tục theo dõi để từng bước điều chỉnh lại cho phù hợp. Người dân chỉ tự giác chấp hành khi họ thấy phù hợp, thuận tiện.

Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy