Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều “ông lớn” sẽ bị truy thu thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra hàng loạt DN lớn có rủi ro cao về thuế.

Bên cạnh đó, các cá nhân cũng sẽ bị kiểm tra và truy thu nếu kê khai thuế chưa chính xác.

Tăng thanh tra

Thông tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội tiếp tục thu thuế đối với tác giả của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird Nguyễn Hà Đông. Trước đó tác giả của trò chơi này được trang tin The Richest đưa vào danh sách 10 triệu phú internet làm giàu từ con số 0. Số tiền mà Nguyễn Hà Đông đã kê khai nộp thuế cho năm 2014 là 1,4 tỷ đồng. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc các hãng công nghệ như Google và Apple sử dụng ứng dụng game này để bán quảng cáo đã mang về cho Nguyễn Hà Đông những khoản thu không hề nhỏ. Với hơn 50 triệu lượt tải về mỗi ngày thì số tiền mà “cha đẻ” của Flappy Bird sẽ thu về lên tới 200 tỷ đồng. Chính vì thế ngành thuế đang yêu cầu tính lại mức thuế với trường hợp này.
Cán bộ Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp. 	Ảnh:  Công Hùng
Cán bộ Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp. Ảnh:  Công Hùng
"Làm sao kiểm soát? Đầu tiên là họ tự kê khai, hoặc các ngân hàng theo dõi tài khoản. Đó cũng là nguồn chúng tôi tham khảo" - ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế  chia sẻ về biện pháp kiểm soát thuế với Nguyễn Hà Đông và những trường hợp có phát sinh thu nhập tại nước ngoài. Thời gian này, nhiều cá nhân, DN đã, đang và sẽ vào “tầm ngắm” thuế như Big C, Metro, Nguyễn Hà Đông, các DN xăng dầu… Cuối năm 2012, Big C từng dính vào nghi án chuyển giá, trốn thuế khi liên tục kêu lỗ nhưng việc kinh doanh vẫn phát triển liên tục với nhiều hoạt động đầu tư được xúc tiến. Mới đây, hãng bán lẻ của Pháp Casino chính thức thông báo đã bán siêu thị Big C cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) với giá 1,14 tỷ USD. Theo Casino, họ sẽ nhận được khoảng 1,05 tỷ USD từ thương vụ này. Còn đối với Nguyễn Kim - hãng bán lẻ đồ điện tử hàng đầu Việt Nam, đã nhận được một khoản tiền khá lớn từ việc Tập đoàn Central Group thông qua việc mua lại 49% cổ phần hồi đầu tháng 1/2015. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hoạt động đầu tư kinh doanh của Nguyễn Kim không có nhiều nổi bật…

Ngoài ra, trong danh sách thanh tra bổ sung này còn có Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Vấn đề của Dung Quất ở thời điểm hiện tại là nếu không nhờ có cơ chế ưu đãi được giữ lại một phần thuế nhập khẩu 3 - 7% thì nhà máy này đã lỗ tới 27.600 tỷ đồng thay vì chỉ hơn 1.000 tỷ đồng theo thực tế trong giai đoạn 2010 - 2014.

Giảm “bốc hơi” ngân sách

Theo ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách, Tổng cục Thuế, tính đến ngày 25/3/2016, toàn ngành đã thực hiện thanh, kiểm tra hơn 6.500 DN, tổng số thuế tăng sau các đợt thanh tra, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng, bằng 98,1% so với 3 tháng đầu năm 2015. Để ngân sách không bị “bốc hơi”, năm 2016, ngành thuế sẽ tập trung nguồn lực cho công tác này. Đặc biệt, những lĩnh vực mang tính thời sự, vấn đề nóng, có nhiều bức xúc, có rủi ro cao về thuế và được dư luận xã hội quan tâm sẽ được ngành thuế lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh, kiểm tra. Cơ quan thuế cũng lưu tâm tới các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài, dược phẩm, thiết bị y tế, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, phải phân loại và tìm giải pháp hỗ trợ các DN có lịch sử làm ăn tốt, có năng lực nhưng vì khó khăn mà mất thanh khoản tạm thời. Còn đối với DN cố tình trốn thuế, chây ì thì phải thanh, kiểm tra, kiên quyết truy thu, công khai.

Theo dự toán pháp lệnh năm 2016, số thu toàn ngành thuế phải thực hiện là 809.500 tỷ đồng. Mục tiêu mà ngành thuế đặt ra là phấn đấu thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế để tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Các DN đến kinh doanh tại Việt Nam thường có 2 phần: Phần thực thể DN đó đang hoạt động tại Việt Nam và phần chủ sở hữu của nó. Với Metro và Big C, phần thực thể hiện hữu tại Việt Nam đang lỗ. DN lỗ nhưng chủ sở hữu của nó vẫn bán được với giá lãi. Và chúng ta sẽ thu thuế trên phần lãi đó. Vì thế, cơ quan thuế sẽ có các biện pháp thanh, kiểm tra để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế của 2 DN FDI này dù họ có bán lại cho chủ sở hữu khác.
Ông Nguyễn Văn Phụng Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế