Nhiều quan điểm về quy định vị trí có hàm cấp tướng trong Công an nhân dân

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/6, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Dự Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, Dự Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.

Cần thiết sửa đổi nhiều nội dung
Dự Luật sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh. Theo đó, ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định trong Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân. Bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Bổ sung 3 điều quy định về trách nhiệm của Chính phủ đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; trách nhiệm của các bộ, ngành T.Ư đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; trách nhiệm của HĐND và UBND các cấp đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân từ 03 năm xuống còn 02 năm; đồng thời quy định việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ trong một số trường hợp để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và thực tiễn trong Công an nhân dân.
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Dự Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, Dự Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.
Về tổ chức của Công an nhân dân, Dự Luật quy định về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân; chỉ huy trong Công an nhân dân. Trong đó bổ sung nội dung như: “Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”... Về tổ chức bộ máy sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516. Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn.
Sửa đổi quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thẩm tra Dự Luật, Chủ nhiêm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân. Đồng thời, đánh giá cao việc Bộ Công an đã đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. “Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung Dự Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân và Công an xã hiện nay”- Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết.
Trong đó, Ủy ban tán thành  với Dự Luật về Công an xã, thị trấn chính quy hóa theo chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, đề nghị quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng Quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa 02 Luật.
Nhiều quan điểm về quy định cấp bậc hàm cao nhất
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Dự Luật cũng sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân theo hướng không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, việc quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành là phù hợp. Quá trình thi hành Luật hiện hành về quy định này không có vướng mắc; đối với đơn vị được thành lập mới có vị trí cấp tướng trong thời gian qua đã được UBTV Quốc hội xem xét, quyết định. “Tuy nhiên, vấn đề này đã được Chính phủ cân nhắc kỹ và thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Dự luật cũng quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trong cơ quan thẩm tra cũng có 3 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương  được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức Công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng trong Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền. Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.
Loại ý kiến thứ ba, không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân ở địa phương.
“Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” – Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết.
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự an Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ngày 14/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự Luật này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần