Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều quan điểm về quyền chỉnh lý dự án luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 41, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh là nội dung được nhiều sự quan tâm. Tại Kỳ họp vừa qua, Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, ý kiến đại biểu vẫn rất khác nhau về vấn đề nêu trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ tiếp tục bảo lưu ý kiến là cơ quan trình dự án luật có quyền "theo đến cùng" chính sách do mình xây dựng, trình Quốc hội. Tức là có quyền chủ trì tiếp thu, giải trình dự thảo luật.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Trọng Đức
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.
Trong đó, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ, qua những luật vừa qua, vai trò thẩm tra của cơ quan Quốc hội rất tốt. Bây giờ chúng ta cũng đang tăng dần số lượng đại biểu chuyên trách thì đủ sức để làm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực tế cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành chưa quan tâm dành thời gian cho công tác xây dựng luật, bố trí thời gian thảo luận dự án luật còn ít. Ngay cả việc đi họp để giải trình, tiếp thu thì có những Bộ cứ mỗi lần cử một Thứ trưởng sang họp, không phải là thứ trưởng phụ trách dự án luật đeo bám từ đầu.
Đồng thời, còn tình trạng các bộ, ngành cứ khư khư giữ lấy quyền lợi của mình khi trình dự án luật. Vì vậy, quy trình xây dựng luật không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng không bảo đảm, mà chủ yếu là do khâu thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, ở đây đừng có nói "sân anh, sân tôi" mà phải phát huy hết trách nhiệm của từng chủ thể. Các bộ, ngành xây dựng luật, Bộ Tư pháp thẩm định, Chính phủ thảo luận và trình, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, cuối cùng Quốc hội có thẩm quyền quyết định ban hành chính sách, luật. Một dự án luật trình ra đến Quốc hội thì cơ quan trình, Chính phủ vẫn có quyền phát biểu, bảo lưu ý kiến của mình chứ không phải là không chủ trì tiếp thu, giải trình thì không được phát biểu. Cuối cùng Quốc hội là trọng tài, đại biểu Quốc hội bỏ phiếu quyết định.

Diễn ra từ nay đến ngày 10/1, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 dự án luật. Đồng thời, xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Đối với Đề án xác định biên chế tối thiểu của Văn phòng Quốc hội; sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét tại phiên họp này.