70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều quan điểm về thẩm quyền quyết danh mục dự án đầu tư công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/4, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Dự án Luật này sau quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, đã tập trung vào những vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, hạn chế việc sửa các quy định chưa thực sự cần thiết. Dự Luật quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn; lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Trong khi những nội dung liên quan đến đối tượng, phân loại dự án đầu tư công, tiêu chí đối với dự án khẩn cấp... nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu thì nhiều nội dung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND và việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
Theo dự kiến, Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 5/4 tới). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các nội dung còn ý kiến khác nhau cần được ghi nhận và phản ánh đầy đủ các phương án, có phân tích ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để các đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, thảo luận, đặc biệt là quy định về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cũng tại phiên họp của Ủy ban Tài chính Ngân sách, một số ý kiến đề nghị quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội giám sát việc quản lý sử dụng nguồn nguồn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu quy định theo hướng này thì việc tổ chức thực hiện sẽ gặp một số khó khăn do số lượng dự án nhiều, hồ sơ, quy trình tốn thời gian nên việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn khó có thể hoàn tất trong một kỳ họp.
Bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị quy định Quốc hội quyết định những vấn đề lớn về mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn, nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tổng mức vốn của từng bộ, ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và phân cấp cho Chính phủ quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án
Cũng có ý kiến đề xuất quy định Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn Quốc hội có thể ủy quyền cho UBTV Quốc hội xem xét, quyết định danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.