Nhiều quận, huyện vẫn chần chừ tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tuần nữa sẽ hết hạn để DN và các quận, huyện tháo dỡ 190 bảng quảng cáo (BQC) đứng độc lập vi phạm.

Đoàn Thanh tra liên ngành xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo cũng vừa kết thúc kế hoạch giám sát đợt 1, kết quả thu được vẫn là số lượng lớn BQC vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đủ kiểu lách…

Có lẽ vì nguồn lợi từ BQC quá lớn cho DN, nên dù có một loạt động thái quyết liệt của Chủ tịch UBND TP, nhiều đơn vị vẫn chần chừ. Có đến gần nửa số biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn TP dọc các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp (quận Tây Hồ, huyện Sóc Sơn)… vẫn "án binh bất động". Tính đến thời điểm này, quận Tây Hồ mới xử lý được duy nhất một BQC tấm lớn trong khuôn viên trường Tiểu học Xuân La (việc này là nằm trong lộ trình cải tạo mặt bằng, khuôn viên trường). 10 BQC còn lại ở ngã tư Nghi Tàm - Yên Phụ, cuối chợ hoa Quảng An, bên trái đường Võ Chí Công, cầu Nhật Tân… vẫn còn nguyên chân, khung cột và nội dung quảng cáo.
Dãy bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm chờ xử lý trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Linh Anh
Dãy bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm chờ xử lý trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Linh Anh
Huyện Sóc Sơn có số biển vi phạm phải tháo dỡ nhiều nhất (68 biển), tuy nhiên đã 27 ngày từ sau Chỉ thị 16/CT-UBND ban hành, lãnh đạo huyện vẫn... ngồi chờ. Mặc dù trước đó, lãnh đạo huyện đã gặp các DN và lãnh đạo xã có quảng cáo vi phạm để thông báo tinh thần Chỉ thị 16, nhưng gặp xong rồi để đấy. Trong buổi làm việc với Đoàn thanh tra liên ngành ngày 26/8, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn vẫn tìm giải pháp cho những trường hợp khó tháo dỡ. “Đoàn thanh tra TP chốt con số tháo dỡ cuối cùng, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm Chỉ thị, nhưng huyện xin lùi thời hạn cưỡng chế tại địa phương đến 15/9” – ông Mạnh cho biết. Ngay Quyết định về việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý BQC vi phạm trên địa bàn Sóc Sơn cũng chỉ mới được ký ban hành hôm 24/8 vừa qua.

Không chỉ chần chừ, nhiều DN địa phương còn tìm cách đối phó. Quận Hoàng Mai là địa phương đầu tiên tháo dỡ xong theo quy định của Chủ tịch UBND TP. Nhưng trong buổi làm việc ngày 25/8, khi Đoàn thanh tra liên ngành thực địa mới tá hỏa DN chỉ tháo dỡ ốc vít của khung biển, giữ nguyên móng… nên có thể tái dựng biển vi phạm chỉ trong một đêm. Hơn thế, nhiều địa phương không trung thực trong báo cáo. Sáng 29/8, sau hạn chót của tổng kết đợt 1 kết quả thanh tra lên lãnh đạo TP, quận Nam Từ Liêm, huyện Đông Anh… thông tin con số như để làm đẹp báo cáo, nên đã có độ vênh giữa tháo dỡ thực và con số thống kê.

Sẽ không "đánh trống bỏ dùi"

Tránh "vết xe đổ" vì không xử lý được tận gốc như những lần trước, lần này, UBND TP Hà Nội thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm đủ các lĩnh vực như: Văn hóa, Xây dựng, Giao thông, PA83… để đủ thẩm quyền giải quyết triệt để vi phạm. Chủ tịch UBND TP còn trực tiếp ban hành Chỉ thị 16, trong đó đặc biệt lưu ý trách nhiệm của người đứng đầu quận, huyện trước những vi phạm này. Chỉ thị cũng đưa ra hạn định tháo dỡ BQC đến ngày 3/9, nhưng xem ra hạn chót chưa đến nên các đơn vị vẫn chờ phản ứng của các đơn vị liên quan.

“Từ nay đến 3/9, Đoàn thanh tra chỉ giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 của UBND TP tại các quận, huyện. Sau ngày 3/9, đơn vị nào không thực hiện, chúng tôi sẽ báo cáo lên Chủ tịch UBND TP và đề xuất phương án cưỡng chế. Lãnh đạo UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP về việc quản lý BQC như tinh thần của Chỉ thị. Đối với DN cố tình chây ì, không chấp hành quy định cũng sẽ khó được tiếp tục xem xét tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP sau này” - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động - Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành cho biết.
Quận Ba Đình tháo dỡ hàng loạt bảng quảng cáo vi phạm

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo, lực lượng chức năng quận Ba Đình đã tháo dỡ hàng loạt BQC vi phạm trên địa bàn. Tính đến ngày 29/8, toàn bộ 16/16 biển hộp đèn tại dải phân cách đã được xử lý dứt điểm; 5/14 biển độc lập đã được dỡ bỏ; 30/38 biển gắn trên công trình nhà ở đã được tháo xuống toàn bộ hoặc dỡ nội dung. Đặc biệt, trường hợp 2 BQC tại bãi đỗ xe Đê La Thành do Công ty TNHH Quảng cáo Hà Thái lắp đặt, sau khi được lực lượng chức năng quận vận động cũng đã tháo dỡ xong. Trưởng phòng Văn hóa quận Ba Đình Nguyễn Thanh Hùng cho biết, quận đã lên kế hoạch cưỡng chế số lượng biển vi phạm còn lại, chậm nhất đến 1/9 sẽ hoàn tất. “Sau xử lý, Quận sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quản lý về quảng cáo tấm lớn, biển hiệu, giữ gìn trật tự và văn minh đô thị” - ông Hùng khẳng định.(Ngọc Hải)