Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đón Tết truyền thống: Im lìm và khác lạ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ vào dịp tháng 4 hàng năm, nhân dân các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar lại rộn ràng, tưng bừng đón Tết cổ truyền dân tộc với những nghi lễ, phong tục cổ truyền như Lễ buộc chỉ cổ tay, Lễ té nước…

Nhưng tác động từ dịch Covid-19 hay khủng hoảng chính trị tại Myanmar đã buộc người dân tại đây trải nghiệm cái Tết rất khác vào năm nay.
Thái Lan, Lào, Campuchia ăn Tết theo cách “bình thường mới”

Tại Thái Lan, đây là năm thứ hai Tết Songkran không diễn ra nhộn nhịp cùng các màn té nước và lễ hội như thường. Thay vào đó, tại quốc gia nơi đạo Phật định hình, đã chuyển sang chỉ duy trì các hoạt động công đức truyền thống. Vào sáng ngày đầu tiên của dịp lễ (13/4), các hoạt động tổ chức cúng dường và lễ tắm Phật vẫn diễn ra nhằm thể hiện sự tôn kính. Các nhà sư đeo tấm chắn nhựa trong suốt quá trình theo tinh thần phòng dịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan Ittipol Khunpleum đã dẫn đầu các quan chức trong sự kiện “Trạng thái bình thường mới, Văn hóa Thái vẫn được bảo tồn” tại ngôi đền nổi tiếng Wat Arun Ratchawararam.
 Người dân Thái Lan làm lễ tắm Phật nhân dịp đầu năm mới. Ảnh: Bangkok post
Giới chức Thái Lan trước đó đã tuyên bố hủy lễ hội Songkran do đang vào đợt bùng dịch Covid-19 thứ 3 tại quốc gia Đông Nam Á. TS Opas Kankawinpong - Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan mới đây cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 có thể tăng gấp 10 lần trong tháng 5, trừ khi chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát bệnh dịch. “Nếu chúng ta không làm đúng, trong một tháng tới, sự lây lan sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát với 9.000 ca mắc mới mỗi ngày” - TS Opas Kankawinpong nói.

Dịp Tết Khmer năm nay, người Campuchia nhận được chỉ thị rất rõ ràng là ăn Tết ở nhà với người thân. Tại Thủ đô Phnom Penh, từ ngày 11 - 24/4, các chợ, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thực phẩm, quán xá bị cấm bán rượu và đồ uống có cồn cho khách cũng như không phục vụ khách ngồi ăn tại quán. Theo báo Khmer Times, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có chỉ đạo tiêm vaccine phòng Covid-19 bắt buộc bên cạnh các biện pháp truy vết, chống dịch quyết liệt khác. Nhà chức trách sẽ cảnh cáo và nếu vẫn không thực hiện, người trốn tránh tiêm vaccine sẽ phải chịu các hình phạt.

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống Covid-19 ngay từ hôm 12/4 đã ra thông báo tăng cường một số biện pháp phòng ngừa mới trong thời gian Tết cổ truyền Boun Pi May Lào 2021 trong bối cảnh nước này ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên kể từ giữa tháng 4/2020. Thông báo cũng bao gồm yêu cầu người dân nếu không có việc cấp thiết, hạn chế di chuyển sang các địa phương khác trong giai đoạn Tết Boun Pi May.

Biểu tình “im lặng” ở Myanmar

Giống như Songkran ở Thái Lan hay Boun Pi May ở Lào, lễ hội năm mới Thingyan của Myanmar là ngày lễ lớn nhất của đất nước - thường kéo dài một tuần bao gồm nhiều hoạt động trên toàn quốc. Nhưng vào thời điểm này, cả dư âm từ đại dịch Covid-19 lẫn khủng hoảng chính trị đem đến một bầu không khí đón năm mới rất khác. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, một tài khoản cá nhân mang tên Shwe Ei viết: “Chúng tôi không tổ chức Tết Thingyan năm nay để tưởng nhớ 700 linh hồn dũng cảm vô tội đã thiệt mạng”, ám chỉ con số thương vong trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến ngày 1/2.

Thay vì hình ảnh ảm đạm trên đường phố Thái Lan, Lào hay Campuchia, tại Myanmar các cuộc biểu tình nhỏ đã được tổ chức ở nhiều thị trấn. Ở một số nơi, người ta đặt ra hàng chục chiếc bình Thingyan (vốn thường để đựng nước trong dịp Tết té nước hàng năm) với những thông điệp như "Hãy cứu lấy Myanmar" trong nỗ lực âm thầm phản đối chính quyền quân đội.