70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều sắc màu trong tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 150 đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Chăm, M’nông, Sán Chay, Kinh, Khmer… sẽ tụ hội tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) để tham gia trình diễn trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” 2015.

Trong một tuần diễn ra hoạt động, tại ngôi nhà của 54 dân tộc anh em không chỉ có lễ hội của một số dân tộc, mà còn tái hiện không gian chợ truyền thống của người vùng núi lẫn người vùng biển.
Biểu diễn Nghệ thuật tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn Nghệ thuật tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
7 lễ hội của đồng bào các dân tộc sẽ là bức tranh văn hóa mang biểu tượng truyền thống khác nhau. Nếu như Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú là nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, diễn ra với mục đích cầu mong các vị thần linh, trời đất ban mưa để cho cây cối đâm chồi nảy lộc, cầu mong mùa màng tốt tươi; thì Lễ cưới của dân tộc Sán Chay lại mang nhiều nét văn hóa trình diễn. Theo nghi lễ truyền thống, khi đoàn rước dâu đến cổng nhà gái sẽ bị “chặn đường” bằng tấm vải lụa màu, nhà trai thuyết phục nhà gia đình nhà gái bằng điệu hát sình ca mới được phép vào trong. Đây là nét độc đáo nhất của lễ cưới của người Cao Lan (dân tộc Sán Chay). Từng câu hát sình ca tha thiết như những lời thủ thỉ tâm tình, bao trùm lên không khí vui tươi của đám cưới. Lời ca mộc mạc mà say đắm, quyến luyến cùng lối hát giao duyên.

“Có thể nói, trong khi cuộc sống hiện đại đang tràn vào từng ngõ xóm, bản làng, thì việc giữ gìn được những nét văn hóa lễ hội của từng dân tộc là điều ngành văn hóa phải lưu tâm. Vì ở đấy không chỉ thể hiện nét đa dạng văn hóa, còn mang tính đoàn kết, gắn bó giữa từng dân tộc với nhau” - ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết.

Bên cạnh lễ hội cầu mưa, lễ cưới còn lễ hội cầu mùa, lễ cúng biển, lễ cúng mưa đầu mùa… Ngoài ra, không gian chợ nổi Nam Bộ, triển lãm ảnh mang chủ đề “Đại đoàn kết - Đại thành công” cũng là các hoạt động được tái hiện trong ngôi nhà chung của các dân tộc anh em.

Điểm nhấn của Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc sẽ là chương trình nghệ thuật “Sắt son niềm tin” diễn ra vào 20 giờ ngày 15/11 tại quảng trường khu các làng dân tộc II. Gần 300 nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật T.Ư và địa phương sẽ thể hiện tinh thần đoàn kết, hướng đến tương lai qua lăng kính của các di sản văn hóa. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao đảm nhiệm khâu viết kịch bản chương trình cho rằng: “Nhân ngày đại đoàn kết các dân tộc, những người làm nghệ thuật chúng tôi muốn xây dựng lên một chương trình nghệ thuật, thông qua đó thể hiện niềm tin hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chính vì vậy, chương trình gồm 3 phần: Ánh sáng soi đường, Mạch nguồn văn hóa, Sắt son niềm tin”. Tất cả những hoạt động trên được trải dài từ ngày 15 - 23/11.