Lan tỏa những đạo lý tốt đẹp trong cộng đồng
Bắt đầu từ năm 2025, Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh tổ chức Lễ hội kỷ niệm “Ngày Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ giáng lâm” vào ngày 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Tương truyền, định kỳ vào ngày mùng 3 và mùng 7 hàng tháng, Ngọc Hoàng Đại Đế ra lệnh cho Huyền Thiên Thượng đế giáng trần để giám sát nhân gian, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ: tiếp nhận lễ cúng bái của người dân; ghi lại công đức và hành vi thiện - ác; trừng phạt kẻ ác và ban phúc cho người hiền.
Ngày mùng 7 tháng Giêng được xem là ngày giáng sinh đầu năm của đức Huyền Thiên Thượng Đế. Từ xa xưa, Nhân dân luôn tin rằng, Huyền Thiên Thượng Đế giáng sinh đầu năm nhằm xem xét tình hình nhân gian, phân biệt thiện - ác và ban phước lành. Vào những ngày này, nhân gian thường tổ chức lễ cầu an, giải hạn, cầu phúc cho cộng đồng và thỉnh cầu sự che chở của Huyền Thiên Thượng Đế.
Việc tổ chức Lễ hội truyền thống Lễ hội kỷ niệm ngày Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ giáng lâm tại Đền Quán Thánh giúp lan tỏa những đạo lý tốt đẹp trong cộng đồng về tu dưỡng cá nhân (như tôn trọng và hiếu thảo với cha mẹ, sống thanh liêm và chính trực, tu dưỡng tâm tính); đạo lý đối với cộng đồng (như tình yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, đoàn kết và hòa thuận) cũng như đạo lý đối với thần linh (như tôn kính và biết ơn, giữ gìn sự thanh sạch trong các nghi lễ).
Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp để lan tỏa những câu chuyện và bài học đạo đức từ hình tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, tiêu biểu là sự đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ, bài trừ cái ác và thúc đẩy tinh thần sống tốt đẹp. Điều này không chỉ giúp tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn góp phần nâng cao đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.
Trấn Vũ Quán Khánh - vật phẩm mới mang lại may mắn, bình an
Kể từ khi UBND TP Hà Nội công nhận đền Quán Thánh là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt” (tháng 8/2024), quận Ba Đình đã chú trọng tu bổ, tôn tạo và sửa chữa nhiều hạng mục của đền. Không những vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đền Quán Thánh đã cho ra mắt nhiều sản phẩm, hoạt động du lịch mới nhằm mang cho du khách những trải nghiệm sâu, thú vị hơn khi đến du Xuân tại đây.
Trong đó, phải kể đến sản phẩm du lịch Trấn Vũ Quán Khánh - một vật phẩm có thiết kế giữ nguyên tạo thành của khánh cổ với tinh tú trăng sao, được kết hợp cùng dây kết đồng tâm. Đây là một vật phẩm được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình).
Vật phẩm mang ân thưởng linh khí của mảnh đất thiêng Trấn Bắc Thăng Long, sự gia hộ của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Trấn Vũ Quán Khánh được tin rằng sẽ mang lại cho chủ nhân sự may mắn, bình an thông qua ý niệm về sự thanh dưỡng tâm hồn, hướng con người đến những điều tốt đẹp, những giá trị của chân - thiện - mỹ.
Thêm rằng, chiếc khánh đồng cổ tại đền Quán Thánh được đúc vào năm 1677 dưới triều Lê Trung Hưng. Trên khánh cổ còn ghi, vật gọi là khánh, theo hình trăng sao, sánh cùng chuông, trống. Thánh nhân dùng nó để hài hòa âm luật, pháp giáo dùng nó để bổ trợ cho pháp dân. Tiếng khánh, với âm vang trầm và uy nghiêm, là cách để truyền đạt ước nguyện, mang lại sự thanh tịnh, tạo cảm giác yên bình và thư thái cho người nghe và đặc biệt là khả năng xua đuổi ma quỷ, làm sạch không gian và giúp cộng đồng cảm thấy an tâm và được bảo vệ. Không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ tôn giáo, khánh đồng còn đóng vai trò cầu nối giữa con người với thần linh, giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau, tạo nên một sự gắn kết bền chặt về tinh thần.
Ngoài vật phẩm Trấn Vũ Quán Khánh, Trấn Bắc Thăng Long - Đền Quán Thánh còn đón du khách đến dịp đầu xuân bằng các hoạt động phát huy giá trị di tích đầy hấp dẫn như: Check in không gian tết xưa, sĩ tử lều chõng đi thi; trải nghiệm cổ phục cùng Nam Vóc – “Kế thừa xưa – phong cách nay”; xin chữ đầu năm; xin lộc xuân may mắn; tìm hiểu 25 bài thơ ca ngợi công đức của Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ…
Vì thế người dân đến đền Quán Thánh du xuân đầu năm nay không chỉ đi lễ mà còn có dịp tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hoá, lịch sử sâu sắc hơn tại đây. Những cách làm hay, sáng tạo như vậy cần được phát huy để làm nổi bật những giá trị văn hóa di tích trên địa bàn của quận Ba Đình.
Trấn Bắc (đền Quán Thánh) là một trong những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội, là nơi thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long xưa. Theo sử liệu, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay. Vua Minh Mạng khi ra tuần thú Bắc Thành, cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán, ba chữ Hán này được tạc trên cổng tam quan.
Hàng năm cứ đến ngày 3/3 và 9/9 âm lịch, UBND quận Ba Đình tổ chức lễ kỷ niệm để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trấn Vũ, để tri ân công lao to lớn của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần Trấn Bắc, giữ sự bình yên cho kinh thành Thăng Long xưa; tiếp tục tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.