Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tham luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm hưởng ứng ngày Quy hoạch đô thị thế giới và ngày Đô thị hóa thế giới, chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023".

Nhiều thành tựu sau đổi mới

Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 24/11/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dưng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 22 loại I, 35 loại II, 46 loại III, 94 loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị cũng xuất hiện nhiều bất cập: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra; Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc diễn đàn.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp, nhiều bất cập. Năng lực quản lý, quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới...

“Do vậy, Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 hôm nay, chính là một cơ hội để chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Cần tiếp tục đổi mới tư duy

Tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển cho rằng, để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và nhằm thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW, diễn đàn cần tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị; Chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững; Đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị; Huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị, trong đó phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước, tạo ra nguồn lực chủ yếu.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.
Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.

Đồng thời phải thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; Nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng; Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

“Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, việc thực hiện Nghị quyết số 06 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa” - Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển nói.

Được biết, từ năm 2008, ngày 8/11 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là ngày đô thị Việt Nam. Trong suốt 15 năm qua, 8/11 đã trở thành ngày hội lớn của các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị để cùng gặp gỡ, chia sẻ những suy nghĩ, lan tỏa thông điệp, hành động để xây dựng đô thị nhằm có được môi trường sống chất lượng, văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo đó,  “Diễn đàn phát triển đô thị Việt Nam năm 2023” đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu là những nhà quản lý của các Bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương, các diễn giả đầu ngành về quy hoạch, phát triển đô thị và cộng đồng doanh nghiệp trong nước, quốc tế... với có 3 hội thảo chuyên đề tập trung vào  nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận về việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững, hướng tới tháo gỡ các rào cản để tăng cường vai trò của tư nhân trong xây dựng đô thị thông minh và khuyến khích việc ứng dụng các sáng kiến, công nghệ hiện đại trong phát triển đô thị. Cùng với đó là tìm kiếm các giải pháp trong vấn đề quy hoạch và quản lý thông minh, phát triển hạ tầng ICT, chuyển đổi số, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, dịch vụ và tiện ích thông minh…