Bình Dương:

Nhiều thiết bị chống dịch Covid-19 được doanh nghiệp tặng vẫn "đắp chiếu"

Duy Chí - Việt Hùng - Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 máy xét nghiệm RT-PCR, xe cứu thương, dụng cụ, trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ...mà cộng đồng doanh nghiệp đã quyên góp, hiến tặng tỉnh Bình Dương để phòng, chống dịch Covid-19 đến nay vẫn "đắp chiếu", gây lãng phí...

Công bố của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Dương, cho đến hết tháng 9/2021 đã có 700 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh với tổng giá trị trên 600 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ trên 270 tỷ đồng, còn lại là hàng hóa, máy móc, trang thiết bị y tế, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch…

Trung tâm Y tế TX Bến Cát nơi được tỉnh Bình Dương giao quản lý, sử dụng 6 máy xét nghiệm RT-PCR mua của Công ty cổ phần Việt Á. Nhưng hàng ngày các mẫu xét nghiệm vẫn phải gửi về tỉnh để xét nghiệm vừa tốn kém vừa mất thời gian. Ảnh: Duy Chí.
Trung tâm Y tế TX Bến Cát nơi được tỉnh Bình Dương giao quản lý, sử dụng 6 máy xét nghiệm RT-PCR mua của Công ty cổ phần Việt Á. Nhưng hàng ngày các mẫu xét nghiệm vẫn phải gửi về tỉnh để xét nghiệm vừa tốn kém vừa mất thời gian. Ảnh: Duy Chí.

Trung tâm Y tế thị xã (TX) Bến Cát, nơi được giao quản lý, sử dụng 6 máy xét nghiệm RT-PCR mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã mua của Công ty Cổ phần Việt Á với số tiền 23,3 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, từng mẫu bệnh phẩm đến xét nghiệm tại đây vẫn phải gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC Bình Dương) để xét nghiệm RT-PCR.

Trung tâm Y tế TX Bến Cát có phòng xét nghiệm nhưng không có máy xét nghiệm. Trong khi 6 máy xét nghiệm RT-PCR của tỉnh bàn giao từ nguồn vận động của doanh nghiệp để phòng chống dịch thì không sử dụng được?. Ảnh: Duy Chí.
Trung tâm Y tế TX Bến Cát có phòng xét nghiệm nhưng không có máy xét nghiệm. Trong khi 6 máy xét nghiệm RT-PCR của tỉnh bàn giao từ nguồn vận động của doanh nghiệp để phòng chống dịch thì không sử dụng được?. Ảnh: Duy Chí.

Cán bộ y tế công tác tại Trung tâm Y tế TX Bến Cát cho biết: Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận xét nghiệm khoảng 10 mẫu RT-PCR nhưng phải gửi đến CDC tỉnh xét nghiệm. Bởi vì ở đây có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn, không có máy xét nghiệm. Tất cả 6 máy xét nghiệm RT-PCR được tỉnh bàn giao cho Trung tâm vẫn nằm trong kho, không hoạt động.

Các bộ phận trong tổ hợp máy xét nghiệm RT-PCR mà tỉnh Bình Dương mua của Công ty cổ phần Việt Á giao cho Trung tâm Y tế TX Bến Cát quản lý sử dụng đến nay vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện"?. Ảnh: Duy Chí.
Các bộ phận trong tổ hợp máy xét nghiệm RT-PCR mà tỉnh Bình Dương mua của Công ty cổ phần Việt Á giao cho Trung tâm Y tế TX Bến Cát quản lý sử dụng đến nay vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện"?. Ảnh: Duy Chí.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, các huyện, TX, TP phía Nam của tỉnh như: TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, TX Tân Uyên chịu ảnh hưởng nặng do đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp hoạt động. Nhiều địa phương phải áp dụng hình thức quản lý “đông cứng, khóa chặt”… nên rất cần máy xét nghiệm trong phòng, chống dịch nhưng không được trang bị.

Trong khi đó, tất cả 6 máy xét nghiệm RT-PCR tỉnh Bình Dương lại được giao tập trung ở một chỗ và không hoạt động cho đến nay.

Trong khi nhiều bệnh viện điều trị Covid-19, các huyện, TX, TP trong tỉnh Bình Dương cần máy xét nghiệm để phục vụ điều trị thì không có nhưng Trung tâm Y tế TX Bến Cát lại được giao quản lý, sử dụng 6 máy xét nghiệm RT-PCR...nhưng vẫn nằm "đắp chiếu". Ảnh: Duy Chí.
Trong khi nhiều bệnh viện điều trị Covid-19, các huyện, TX, TP trong tỉnh Bình Dương cần máy xét nghiệm để phục vụ điều trị thì không có nhưng Trung tâm Y tế TX Bến Cát lại được giao quản lý, sử dụng 6 máy xét nghiệm RT-PCR...nhưng vẫn nằm "đắp chiếu". Ảnh: Duy Chí.

Trong khi nhiều trạm y tế lưu động điều trị Covid-19 còn thiếu phương tiện, nhất là xe cấp cứu để tiếp nhận, chuyên chở bệnh nhân, tại Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một, số lượng xe cấp cứu nhiều đến mức không có chỗ đỗ. Mỗi sáng, các lái xe cấp cứu của đơn vị phải đến sớm đưa xe ra lề đường phía trước Trung tâm để đỗ, nhường chỗ cho các hoạt động y tế khác.

Xe cấp cứu (do doanh nghiệp tặng tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch Covid-19)  phải ra đỗ phía trước Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một . Ảnh: Duy Chí.
Xe cấp cứu (do doanh nghiệp tặng tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch Covid-19)  phải ra đỗ phía trước Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một . Ảnh: Duy Chí.

Hàng ngày, người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một cũng như các cơ sở y tế công lập khác trên địa bản tỉnh phải ra ngoài làm xét nghiệm vì bệnh viện hết hóa chất; hoặc người bệnh phải mua thuốc ở các cửa hàng thuốc tư nhân vì bệnh viện hết thuốc... Thì bên trong Trung tâm Y tế, nhiều trang thiết bị y tế (như quần áo bảo hộ, khẩu trang, thuốc men các loại…) do cộng đồng, người dân quyên góp, tài trợ được chất đầy, lấn hết các lối đi, cửa phòng làm việc.

Trước tình trạng trên, nhiều người mong rằng: Đừng để máy móc, xe cứu thương, quần áo bảo hộ chống dịch của các nhà tài trợ, mạnh thường quân  “tự chết” vì hết hạn sử dụng hoặc phải nằm im khi ngoài kia nhiều nơi, nhiều người bệnh đang cần. Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã nhiều lần đăng ký xin gặp lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một và Trung tâm Y tế TX Bến Cát để có thông tin chính xác phục vụ bạn đọc, thỏa mãn niềm tin của các nhà tài trợ…nhưng các nơi này đều im lặng.

Thiết nghĩ, vấn đề này cần được các cấp có thẩm quyền tỉnh Bình Dương làm rõ, trả lời cho người dân bởi các mạnh thường quân đã đặt niềm tin, quyên góp, bỏ tiền túi đóng góp vào công tác phòng, chống dịch cho tỉnh nhà.