Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiễu thông tin trên internet

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không chịu đi khám, không tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện mà tìm đến các phương thuốc "truyền miệng" trên các trang mạng khiến bệnh càng nặng thêm.

Đây là lời cảnh báo của các chuyên gia y tế trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

Thận trọng khi tìm hiểu thông tin sức khỏe trên internet. Ảnh: Quỳnh Linh

Chia sẻ vấn đề này, TS Phạm Thị Việt Hương – Bệnh viện (BV) K lấy dẫn chứng, có bà mẹ bỉm sữa đã chia sẻ trên Facebook của mình rằng, một người người hàng xóm của chị  bị ung thư, BV trả về và uống nước bồ công anh, sau 3 tháng khỏi bệnh. Lập tức có hàng trăm comment bình luận và chia sẻ câu chuyện này, khiến nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư tại BV tỏ ra hoang mang. Nhiều người không tin tưởng Tây y, đã bỏ điều trị chính thống để theo phương pháp "truyền miệng" chưa được kiểm chứng kia. “Tôi cho rằng, việc đăng một tus như vậy bản thân họ không có trách nhiệm với người thân và cả cộng đồng. Bởi họ chỉ nghe đồn về một bệnh nhân mà không biết bệnh nhân này có thật hay không, có đúng bị ung thư và BV trả về, khỏi nhờ uống bồ công anh hay không. Những thông tin này vô cùng nguy hiểm” - TS Hương nhấn mạnh. 
Đặc biệt, gần đây, phong trào bài trừ vaccine, nhiều người đã lập hẳn một nhóm để chống lại việc tiêm vaccine. Bác sĩ (BS) Ngô Đức Hùng – Khoa A9, BV Bạch Mai cho rằng, cộng đồng đang được hưởng thành quả của Chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, trẻ em được trang bị hệ miễn dịch tốt, đã có kháng thể chống lại các loại virus và vi khuẩn gây hại. Việc các bà mẹ kêu gọi không nên cho con tiêm vaccine là điều hết sức nguy hiểm. Nếu trở thành một trào lưu, cả một xã hội không được tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch không được trang bị kháng thể chống lại các tác nhân từ bên ngoài vào, sẽ có nguy cơ bùng nổ bệnh dịch. “Với kinh nghiệm 12 năm làm nghề, trong thời gian gần đây, tôi thấy nhiều dịch bệnh quay trở lại, nhiều bệnh ngay cả từ thời sinh viên chúng tôi học cũng không thấy, giờ lại xuất hiện. Những người làm nghề như chúng tôi rất lo lắng” - BS Hùng nói.
Hay gần đây, trên các trạng mạng chia sẻ nhiều thông tin như: Khi bị viêm ruột thừa chỉ cần lấy lá cây liễu phơi khô đun lên uống. Rồi lấy lá trầu không vo lại đắp lên hố chậu phải. Nếu sau 3 ngày tình trạng đau tăng lên thì đi mua kháng sinh uống, không cần phải đến BV chữa trị. Về vấn đề này, BS Hùng khẳng định: Theo diễn biến tự nhiên của viêm ruột thừa, sau 24 giờ nếu không có can thiệp, ruột thừa sẽ vỡ, mủ sẽ chảy vào ổ bụng, sẽ gây viêm phúc mạc và để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong. BS Hùng nhấn mạnh: “Đến bây giờ, khi chưa có nghiên cứu, thống kê nào cho thấy viêm ruột thừa tự khỏi, chúng ta nên theo các phương pháp chính thống”.
Ngoài những bài thuốc "truyền miệng" trên, trên các diễn đàn, nhiều bà mẹ còn chia sẻ các kinh nghiệm như: Bị bỏng chỉ cần đắp lá bỏng giã nát, bị đau mắt đỏ đắp lá trầu không, bị ung thư uống nước lá đu đủ đực, bị ngất xỉu lấy kim chích vào đầu ngón tay… Theo các chuyên gia y tế, đây đều là những bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng. Đã nhiều bệnh nhân điều trị không đúng cách khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm, thậm chí mất mạng.
Việc người dân tìm kiếm các thông tin về sức khỏe trên mạng nếu không biết chọn lọc thì rất nguy hiểm. Thực tế, nhiều người dân ngại đi khám vì mất thời gian chờ đợi, mất tiền, nên tìm đến những bài thuốc, những kiến thức chưa được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
TS Phạm Thị Việt Hương  Bệnh viện K