Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều thuận lợi xây khu đô thị sáng tạo

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng xây dựng các khu đô thị thông minh tại khu vực tiếp giáp với đô thị lõi, với đầy đủ chức năng một TP tiện nghi, hiện đại từ hệ thống đào tạo nhân lực, thương mại – dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao...

Chủ trương này được xem là hướng mở, tạo điều kiện cho việc hình thành chuỗi các khu đô thị sáng tạo của Thủ đô.
Nền tảng từ thành phố thông minh

Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong quá trình hình thành phát triển mỗi một Thủ đô đều mang đặc trưng riêng, có những Thủ đô chỉ là một trung tâm chính trị - hành chính thuần túy và có những Thủ đô lại là một trung tâm chính trị – kinh tế, có nguồn tài chính không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Hà Nội là một trong những Thủ đô điển hình trong việc tự chủ về nguồn tài chính.
 Nhiều dự án BĐS nằm trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.  Ảnh:  Nguyễn Chi
Trên nền tảng là một trung tâm chính trị - kinh tế, Hà Nội đã được mở rộng để đáp ứng với nhu cầu phát triển trong xu thế toàn cầu hóa. Trước sự gia tăng dân số nhanh, Hà Nội đã thực hiện phương án xây dựng các khu đô thị vệ tinh, lấy tiêu chí của đô thị thông minh làm mục tiêu. Hiện nay, TP đang đẩy nhanh triển khai xây dựng thành phố thông minh hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài, làm hạt nhân kết nối các khu đô thị vệ tinh khác.

“Thời gian qua, Hà Nội đã hoàn thiện và đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4; Đường sắt đô thị trên cao, mở rộng các tuyến đường hướng tâm vào nội đô... Đây là sự chuẩn bị cần thiết về hạ tầng kết nối cho việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh sau này. Đô thị thông minh với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại, có dịch vụ hành chính, dịch vụ công cộng hiện đại... sẽ phục vụ một cách tốt nhất điều kiện về nơi ở, nơi làm việc của người dân. Những người lao động “chất xám” thì phải có một môi trường sống, làm việc tốt thì mới có thể sáng tạo được” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê nhận xét.

"Những khu đô thị sáng tạo sẽ là động lực để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao tạo ra những sản phẩm thông minh để phục vụ đời sống của người dân, phục vụ công tác quản lý của chính quyền một cách hiệu quả hơn. Và ở đó, người ta sẽ sáng tạo ra những công cụ thông minh để áp dụng vào vận hành hệ thống giao thông công cộng, xử lý những vấn đề về môi trường, rác thải, giúp cho người dân có thể tương tác dễ dàng hơn với chính quyền, từ đó nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn." - TS. KTS Hoàng Hữu Phê – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái cho rằng, lao động tri thức không thể phát huy hết được khả năng của mình nếu phải làm việc trong một môi trường “tạm bợ”, thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, thực hành. “Như vậy, có thể khẳng định, chỉ ở những nơi có đầy đủ cơ sở vật chất để làm việc thì mới thu hút được nhân tài. Việc xây dựng thành phố thông minh sẽ như "nam châm" hút nguồn nhân lực chất lượng cao và là nền tảng để hình thành các khu đô thị sáng tạo” - Thạc sĩ Đinh Quốc Thái nói.

Lập dữ liệu quản lý quy hoạch

Hiện nay, khu vực phía bắc Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng để hình thành nên diện mạo của khu đô thị sáng tạo, nơi đây không chỉ có khu công nghệ cao Hòa Lạc, mà còn có dự án thành phố thông minh nằm trên trục đường Nhật Tân – Nội Bài, với hàng loạt dự án lớn có sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu trong nước và thế giới, như Vingroup, Sungroup, Sumitomo (Nhật Bản)... “Chính sự có mặt của những tập đoàn này đã tạo ra một vị thế mới cho khu vực, hứa hẹn sẽ đem lại những thành công cho dự án thành phố thông minh” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh.

Đô thị sáng tạo nằm trong TP thông minh, được phát triển theo hướng hiện đại, đa chức năng. Không chỉ là nơi thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn tạo thêm việc làm cho người dân trước sức ép gia tăng dân số tại chỗ và tỷ lệ người dân ngoại tỉnh tập trung vào Hà Nội ngày càng đông. Ngoài ra, còn đảm bảo được chất lượng sống, có sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên với cảnh quan kiến trúc đô thị.

Theo KTS Đỗ Anh Minh - Hiệp hội các đô thị Việt Nam, xây dựng TP thông minh và đô thị sáng tạo đối với Thủ đô Hà Nội đã hội tụ đầy đủ các điều kiện từ quy hoạch, đất đai, nhà đầu tư, vốn đầu tư... Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian thực hiện. Nên ngay từ bây giờ, Hà Nội cần phải có những giải pháp để có thể quản lý và vận hành “đơn vị hành chính” mới này. “Một trong những giải pháp quan trọng nhất phải thực hiện ngay từ bây giờ đó là xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý quy hoạch và các vấn đề liên quan trực tiếp, như cơ sở dữ liệu về quản lý - sử dụng đất, nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng...” - KTS Đỗ Anh Minh nói.

Cũng theo KTS Đỗ Anh Minh, một trong những vấn đề nan giải nhất trong quá trình xây dựng thành phố thông minh làm nền tảng cho sự ra đời của các khu đô thị sáng tạo đó chính là nguồn vốn đầu tư. Thời điểm hiện tại ngân sách Nhà nước không đủ khả năng nên chăng cần tăng cường thu hút các dự án phát triển đô thị có quy mô lớn bằng hình thức đặc thù như BT, BOT, phát hành trái phiếu hoặc thông qua các chính sách đầu tư bất động sản... Có như vậy tiến độ triển khai sẽ nhanh hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Người dân được hưởng lợi, nguồn thu cho Nhà nước tăng thêm và tạo ra cảnh quan thiết kế đô thị đồng bộ.