Thu nhập chỉ bằng một nửa trước dịch nhưng vẫn vui
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND cho phép từ 6 giờ ngày 21/9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy... được hoạt động trở lại và đóng cửa trước 21 giờ là tin vui nhất đối với những người lao động sau nhiều ngày thực hiện giãn cách xã hội. Chia sẻ về việc được bán hàng ăn trở lại, trưa ngày 22/9, chị Nguyễn Thị Phương Hạnh – chủ quán Cua đồng Hạnh (địa chỉ tại phố Quang Trung, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) vui vẻ nói: Mỗi hôm chị bán được 100 bát bún cua, miến cua, bánh đa cua. Giá bán vẫn như cũ, chất lượng không thay đổi cho dù giá nguyên liệu có tăng. Chúng tôi phấn khởi lắm, vì lại có thu nhập bởi mấy tháng qua, bốn người trong gia đình ở nhà, tiền tích trữ có hạn đã cạn kiệt, may mà vừa rồi được quận Hà Đông phê duyệt hỗ trợ 1.500.000 đồng cho tôi thuộc đối tượng lao động tự do bị mất việc.
Chủ cửa hàng tóc Thu Hiên phấn khởi sau một thời gian dài giãn cách xã hội được mở lại cửa hàng để phục vụ khách. Ảnh Thủy Trúc. |
Đối với những lao động tự do ngoại tỉnh lên Hà Nội thuê nhà được đi làm trở lại cũng là điều sung sướng. Cho dù nghỉ không làm gì, họ vẫn phải thanh toán các khoản tiền thuê trọ, điện, nước, học phí...Vì thế cuộc sống của lao động tự do ngoại tỉnh, vốn đã túng bấn càng thêm khốn khó. Nay nghe tin được đi làm trở lại, họ mừng xen lẫn hồi hộp, chỉ mong sớm được gặp lại những khách hàng thân quen. “Em phấn khởi lắm, vì từ ngày 21/9, vợ chồng em lại được đi làm sau gần 60 ngày nghỉ. Em bán bánh mỳ thuê ở phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm) mỗi ngày được trả 260.000 đồng, chồng em trước đây làm lễ tân trong khách sạn nay chuyển sang đi giao hàng cho khách được 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Khi vợ chồng đều đi làm, em dặn dò hai cháu bé (8 tuổi và 6 tuổi) tự ở nhà học bài và trông nhau” – chị Đồng Thị Lụa (quê Nam Định) phấn khởi cho hay.
Trưa ngày 23/9, nhiều quán hàng ăn trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) đông khách đặt mua và ship mang về. Ảnh: Thủy Trúc. |
Trong khi đó, có không ít người lao động ngoại tỉnh làm nghề xây dựng có mong muốn về quê, khi biết tin TP Hà Nội cho phép đi làm trở lại đã thay đổi quyết định. Vì khi trở về quê, rất có thể họ phải thực hiện cách ly 14 ngày mới được trở về nhà, rất mất thời gian. Anh Tòng Văn Văn (quê Sơn La) là thợ xây công trình dân dụng đang cư trú trên địa bàn quận Hà Đông, cho biết, trước đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, em có mong muốn được về quê. Nhưng bây giờ em muốn ở lại Hà Nội làm việc để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và các em. Được đi làm trở lại, em thấy người thoải mái, khỏe ra, tay chân linh hoạt. Những ngày vừa qua, chỉ nằm dài ở trong phòng, em thấy người mệt quá. Mọi người ở chỗ em đều đi làm hết từ ngày 21/9 và không ai muốn về quê nữa.
Giữ nguyên giá dịch vụ để chia sẻ với khách hàng
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong 3 ngày các cửa hàng cắt tóc, gội đầu được hoạt động trở lại có lượng khách đến làm các dịch vụ cắt, gội, uốn, nhuộm,... đông hơn nhiều so với thời điểm trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách. Nhiều chủ tiệm phải từ chối khách vì không làm kịp do thiếu thợ. Tiến sĩ Đỗ Hiếu leslie Hân –Thiết kế tạo mẫu tóc thế giới, phụ trách Trung tâm Thực hành chăm sóc sắc đẹp trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (địa chỉ 131 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) cho hay: Lượng khách đến làm tóc tăng gấp đôi nhưng chúng tôi phải từ chối nhiều người vì không làm kịp. Chúng tôi có 3 thợ phụ nhưng họ về quê chống dịch Covid-19, bây giờ chưa lên Hà Nội được. Để thực hiện công tác phòng chống dịch, trong quá trình làm việc, tất cả nhân viên đều phải đeo khẩu trang, khách hàng cũng đeo khẩu trang, sịt nước sát khuẩn, ngồi ghế chờ cách xa nhau. Các bàn, ghế cho khách ngồi để nhân viên làm tóc đều có tấm kính lớn ngăn cách và không bố trí ngồi đối diện nên đảm bảo khoảng cách để phòng chống dịch.
TS Đỗ Hiếu leslie Hân cũng cho biết, việc các tiệm tóc được hoạt động trở lại là niềm vui lớn đối với nhân viên. Trải qua nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, anh Đỗ Hiếu leslie Hân nhận thấy, bên Tây nghỉ một tháng cũng không có vấn đề gì nhưng ở Việt Nam đó là điều xa xỉ phẩm. Và, đối với những người làm tóc là dân lao động có mức thu nhập không cao lắm, làm được bao nhiêu chi tiêu gần hết. Khoản tiền tích lũy chỉ đủ dùng 1 tháng cho họ không đi làm, nhưng nghỉ 2 – 3 tháng lại là vấn đề lớn.
Nhân viên và khách đều thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm tóc để đảm bảo giãn cách xã hội. |
Bởi vậy, khi biết thông tin được mở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chị Nguyễn Thị Hiên – Chủ tiệm tóc Thu Hiên đã chốt việc thuê cửa hàng mới ở trong ngõ 132, phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ngay ngày hôm sau, chị Hiên tức tốc chuyển cửa hàng để kịp thời phục vụ khách từ chiều ngày 22/9. Vì hai thợ phụ về quê chưa thể lên Hà Nội, chị Hiên đã phải từ chối một số khách hàng. Đối với những khách hàng thân quen, chị Hiên sắp xếp cho đến khung giờ khác và được họ thông cảm chấp nhận. “Những khách đến cửa hàng đều phải thực hiện đeo khẩu trang, khai báo y tế bằng quét mã QR. Những ngày ở nhà chống dịch, hàng ngày tôi vẫn luyện tay nghề trên đầu manercanh, vào mạng xem các video thiết kế các kiểu tóc để học hỏi với mong muốn phục vụ khách hàng được tốt nhất” – chị Nguyễn Thị Hiên cho hay.
Các chủ tiệm tóc cũng cho biết, do nghỉ ở nhà dài ngày nên đa số khách hàng đến đều có mái tóc rất dài, thời gian cắt lâu hơn, nhuộm chân tóc tốn nhiều thuốc hơn. Nhưng, chủ tiệm làm tóc không tăng giá dịch vụ để chia sẻ với những khó khăn của khách hàng. Họ chỉ mong sao mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tránh tụ tập đồng người để các hoạt động được trở lại bình thường như thế mới phát triển được kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới.