Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tiện ích cho người lao động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2010, trong đó với tổng số thời gian cho việc chấp hành nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp là hơn 1.000 giờ, Việt Nam vẫn xếp hạng thứ 93 trong tổng số 183 nền kinh tế.

KTĐT - Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2010, trong đó với tổng số thời gian cho việc chấp hành nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp là hơn 1.000 giờ, Việt Nam vẫn xếp hạng thứ 93 trong tổng số 183 nền kinh tế.

Mặc dù các tiêu chí đánh giá, xếp loại còn chưa đồng nhất, nhưng những con số này vẫn là ẩn số, là thách thức to lớn buộc các cơ quan quản lý phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với gia tốc mạnh gấp nhiều lần. Cũng không nằm ngoài nỗ lực này, vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã cùng với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nghiên cứu xây dựng Đề án phối hợp quản lý thuế và quản lý BHXH, nhằm tạo ra nhiều thuận lợi, tiện ích hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (SXKD) trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội.

Ông Nguyễn Huy Trường - Trưởng Ban TNCN, Tổng cục Thuế cho biết, trên thực tế, đối tượng quản lý thuế TNCN và BHXH có chung đặc điểm là các tổ chức chi trả tiền lương, tiền công và những cá nhân làm công ăn lương. Hơn thế, thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN và phí BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đều là tiền công, tiền lương. Theo đó, cơ quan thuế căn cứ vào khoản tiền lương, tiền công được chi trả để tính thuế TNCN, còn BHXH căn cứ vào khoản tiền lương, tiền công để quản lý các khoản đóng góp BHXH.

Với số lượng đối tượng quản lý đông đảo trên phạm vi rộng, hiện tại, cả ngành thuế và BHXH đều đang thực hiện công tác quản lý thông qua việc cấp mã số cho các đối tượng. Theo số liệu được BHXH cung cấp, hiện nay cơ quan này đã cấp 10 triệu mã số cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở SXKD, các đoàn thể và các cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong nỗ lực của mình, cơ quan thuế cũng đã cấp khoảng trên 6 triệu mã số thuế cho người làm công ăn lương trên toàn quốc. Xuất phát từ căn cứ quản lý, hai bên đã thống nhất sẽ sử dụng một loại mã số chung để phục vụ cho công tác quản lý. Tuy nhiên, việc sẽ sử dụng lại mã số của bảo hiểm hay mã số thuế TNCN sẽ được cân nhắc trong thời gian tới trên tinh thần đảm bảo tiện ích và hiệu quả tối ưu. Trong trường hợp hãn hữu phải cấp lại một mã số mới để dùng chung thì cũng không tổ chức đăng ký lại mà sử dụng nguồn dữ liệu đã có, đảm bảo không làm mất thời gian, gây phiền hà cho người lao động - ông Trường nhấn mạnh.

Hai cơ quan thuế và bảo hiểm cũng đang cân nhắc tới việc có thể thống nhất sử dụng một loại tờ khai chung để kê khai cả thuế TNCN và các khoản bảo hiểm. Tờ khai sẽ được nộp cho một cơ quan để nhập và xử lý dữ liệu. Sau đó, kết quả thu nộp của cơ quan thuế sẽ phản ánh vào Mục lục ngân sách, còn kết quả thu nộp của BHXH sẽ được phản ánh vào Mục lục BHXH.

Tổng cục Thuế và Bảo Hiểm xã hội Việt Nam cũng tính tới việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung để cùng khai thác và việc thống nhất một cơ chế quản lý đối với những khoản đóng góp nộp thuế TNCN và nộp BHXH, bảo hiểm y tế, dựa trên cùng một căn cứ cơ bản là những khoản tiền lương, tiền công được chi trả cho người lao động. Hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng sẽ giúp hai bên thống nhất một cơ chế thanh tra, kiểm tra dùng chung để xác định chính xác, đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế TNCN và các khoản đóng góp BHXH, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo ông Trường, để công tác phối hợp đạt hiệu quả tối ưu thì việc triển khai đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định. Hiện tại, do các quy phạm điều chỉnh, cách thức quản lý thuế TNCN được quy định tại Luật Thuế TNCN và Luật Quản lý thuế, còn hoạt động quản lý BHXH được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội nên để đảm bảo tính pháp lý cao của các nội dung công tác phối hợp, cần phải ban hành một văn bản pháp luật, có thể là quyết định của Thủ tưởng Chính phủ, để điều chỉnh hoạt động phối hợp, cũng như điều chỉnh việc kê khai và nộp tờ khai của các đơn vị chi trả thu nhập.

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thành lập Tổ Nghiên cứu triển khai đề án; Liên bộ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc các bộ khẩn trương nghiên cứu hệ thống các quy phạm pháp luật để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật; đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành xây dựng đề án cụ thể, tạo ra hành lang thuận lợi để triển khai công tác phối hợp đạt hiệu quả cao.

Theo kế hoạch, đề án phối hợp sẽ được triển khai theo 2 bước: Bước 1 bắt đầu từ quý II/2010, sẽ thực hiện thí điểm tại một số địa phương để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện; bước 2 là triển khai rộng rãi trên toàn quốc, bắt đầu quý III hoặc quý IV/2010. Khi đó, thời gian dành cho việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản bảo hiểm của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể so với hiện tại và thứ hạng của Việt Nam trong bản Báo cáo môi trường kinh doanh trong thời gian tới sẽ có những bước tiến vượt bậc.