Nhiều tín hiệu lạc quan về xuất khẩu

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến ngày càng leo thang của thương chiến Mỹ -Trung, nhiều chuyên gia lo ngại đưa ra dự báo việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, khó hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/9/2019, Việt Nam đã xuất siêu và dự báo cả năm 2019 Việt Nam sẽ xuất siêu.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải
16 thị trường xuất siêu trên 1 tỷ USD
Thống kê tính đến hết tháng 8, Việt Nam liên tục xuất siêu, tuy có giai đoạn ngắt quãng. Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là mức xuất siêu của 8 tháng có xu hướng cao lên qua các kỳ từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tháng 1 xuất siêu 815,5 triệu USD, 2 tháng nhập siêu 63,9 triệu USD, 3 tháng xuất siêu 1.410,5 triệu USD, 4 tháng xuất siêu 752,2 triệu USD, 5 tháng nhập siêu 433,5 triệu USD, 6 tháng xuất siêu 1,589 tỷ USD, 7 tháng xuất siêu 1,703 tỷ USD, 8 tháng xuất siêu 5,372 tỷ USD, 8 tháng rưỡi xuất siêu 5,666 tỷ USD. Điểm nhấn thứ hai là mức xuất siêu của kỳ này cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước (cùng kỳ năm 2017 nhập siêu 1,044 tỷ USD, năm 2016 xuất siêu 1,929 tỷ USD).
Điểm nhấn thứ ba là theo khu vực, khu vực kinh tế trong nước có tỷ lệ nhập siêu thấp hơn của cùng kỳ năm trước (32,5% so với 35,5%) do xuất khẩu tăng khá cao (15,7%), vừa cao hơn tốc độ tăng chung (7,7%), vừa cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) (4,7%). Khu vực có vốn ĐTNN tiếp tục xuất siêu và cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (23,724 tỷ USD so với 21,109 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (18,8% so với 17,8%), do khu vực này có quy mô xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu (125,889 tỷ USD so với 102,165 tỷ USD); tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tỷ trọng trong nhập khẩu (69,3% so với 58%).
Điểm nhấn thứ tư là theo thị trường, 8 tháng qua trong tổng số 86 thị trường có số liệu chi tiết, có 58 thị trường xuất siêu. Cụ thể, có 41 thị trường xuất siêu trên 100 triệu USD, 23 thị trường xuất siêu trên 500 triệu USD, đặc biệt có 16 thị trường xuất siêu trên 1 tỷ USD, trong đó có một số thị trường xuất siêu tăng so với cùng kỳ (như Mỹ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Canada...).
Năm thứ tư liên tiếp xuất siêu
Từ kết quả trên, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, cả năm 2019 sẽ xuất siêu 6,9 tỷ USD. Nếu dự báo trên là đúng thì năm 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Thực tế xuất siêu không những ngược chiều với các nhà hoạch định kế hoạch (nhập siêu 7 - 8 tỷ USD), mà còn ngược chiều với dự đoán của không ít chuyên gia. Thực tế, khi Việt Nam đạt được kết quả xuất siêu trong năm 2019 càng có ý nghĩa hơn bởi trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động. Trong đó rõ nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bởi đây là những nền kinh tế lớn nhất và là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cũng như của nhiều đối tác thương mại của Việt Nam. Chưa kể chúng ta xuất siêu trong điều kiện nhiều nền kinh tế lớn phá giá đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu...
Theo các chuyên gia, xuất, nhập siêu không những tác động đến tổng cung, đặc biệt là sản xuất ở trong nước, mà còn là nội dung quan trọng của quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô, có tác động đến nhiều quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô khác. Xuất siêu trực tiếp làm cho cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, góp phần đưa dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới, ổn định tỷ giá (sau 8 tháng vẫn còn giảm), kiểm soát lạm phát (sau 8 tháng mới tăng 1,87% và bình quân 8 tháng mới tăng 2,57%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần