Uy tín ngân hàng đi lên theo tín nhiệm quốc gia
Các ngân hàng được Moody's xếp hạng lần này gồm 12 đơn vị: ABBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank và MSB.
Danh sách các ngân hàng trên được công bố ngay sau khi Moody's nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.
Cụ thể, Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên 1 bậc; nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.
Trong đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm: Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.
7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác bao gồm: BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.
Cũng trong lần đánh giá này, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng của các ngân hàng: Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ ''Ổn định'' sang ''Tích cực''. Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn ''Ổn định'', và triển vọng tín nhiệm của SHB vẫn giữ ở mức ''Tích cực''.
Nhìn vào những ngân hàng được các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm, thì mẫu số chung đều phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng đó đã có sự cải thiện rõ rệt, năng lực tài chính được nâng cao.
Như Agribank, với vai trò là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, đây là nhà băng chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm gần 70% tổng dư nợ. Agribank cũng là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về thị phần huy động vốn và lớn thứ hai về tài sản. Ngân hàng có mạng lưới chi nhánh lớn nhất Việt Nam với 2.225 chi nhánh và phòng giao dịch. Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,77 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng.
Đại diện Agribank cho hay, việc tăng hạng của ngân hàng được đưa ra tiếp theo sau khi Moody’s nâng hạng với định hạng "Sức mạnh tín dụng quốc gia của Việt Nam" từ “Ba3” lên “Ba2” vào ngày 6/9/2022. Moody’s tin rằng Chính phủ Việt Nam có nhiều khả năng hỗ trợ hơn cho Agribank và các ngân hàng trong nhóm được nâng hạng lần này khi cần thiết.
Trường hợp của SeABank, đánh giá tích của Moody’s trong bối cảnh ngân hàng này đạt được nhiều thành tích vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2022 với tổng tài sản đạt 229.723 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng; tổng thu thuần TOI đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021; Thu thuần ngoài lãi (NOII) tăng trưởng ấn tượng đạt 1.736 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,6%. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của SeABank cũng tiếp tục được củng cố khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục lộ trình tăng vốn lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022…
Hay SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II; kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,27%. SHB là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần kiểm soát chi phí tốt nhất….
Với TPBank, Moody’s đánh giá: “Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ cải thiện dần khi ngân hàng tái cho vay với lãi suất cao hơn và thoát khỏi các khoản vay được tái cơ cấu, phù hợp với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và khả năng sinh lời của TPBank sẽ cải thiện trong khoảng 12 - 18 tháng tới”.
Vietcombank là một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất tại Việt Nam. Moody’s đánh giá Vietcombank đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, và chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ của Chính phủ Việt Nam trong trường hợp cần thiết. Không chỉ Moody’s, Vietcombank còn được S&P Ratings nhận định, việc điều chỉnh triển vọng xếp hạng với Vietcombank sẽ phụ thuộc vào xếp hạng quốc gia của Việt Nam trong vòng 12 - 24 tháng tới.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, việc có một nền kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì nhịp tăng trưởng, môi trường kinh doanh thuận lợi… đã giúp cho Việt Nam có được cái nhìn ngày càng thiện cảm trong mắt các tổ chức xếp hạng, và điều này ảnh hưởng rất tích cực và sâu sắc đến tín nhiệm của ngân hàng.
Nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ
Chuyện “làm thương hiệu”, “tạo dựng brand” nhiều năm trở lại đây đã được các ngân hàng chú trọng hơn rất nhiều, ý thức để ''sức khỏe'' của mình tốt hơn, năng lực tài chính cải thiện hơn, sản phẩm dịch vụ phong phú và hiện đại… Điều này đã giúp cho các ngân hàng khẳng định uy tín của mình.
Năm 2021 và 6 tháng năm 2022, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang cho thấy tiếp tục những kết quả kinh doanh ấn tượng, theo đà phục hồi của nền kinh tế khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, hệ thống ngân hàng có sức bứt phá về gia tăng hàm lượng số hóa trong nội bộ cũng như các sản phẩm, dịch vụ của mình, đặc biệt bùng nổ từ trong giai đoạn đại dịch. Tính cả năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021.
Lãnh đạo TPBank cho hay, hiện đã hoàn toàn tuân thủ chuẩn mực Basel III, cao hơn một bậc so với yêu cầu của NHNN. TPBank cũng là ngân hàng đi đầu trong việc triển khai áp dụng lập và trình bày báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS9.
SeABank cho hay sẽ tiếp tục hướng đến các chuẩn mực quốc tế, qua đó khẳng định uy tín, vị thế và tiềm lực với khách hàng, đối tác, đặc biệt là các tổ chức quốc tế cũng như nỗ lực đi đầu trong việc đáp ứng với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.
Agribank khẳng định sẽ tiếp tục triển khai đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn, khẳng định thương hiệu của định chế tài chính được các tổ chức quốc tế đánh giá uy tín luôn ở mức cao và giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính tại Việt Nam…
TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, càng ngày Việt Nam càng có nhiều ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm quốc tế, chứng tỏ sự phát triển về chất lượng tài sản, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s thường có chuẩn đánh giá khắt khe hơn, vì họ dựa nhiều vào chuẩn mực có tính quốc tế cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro.
Các tổ chức đánh giá tín nhiệm thường sử dụng nhiều tài liệu để đánh giá ngân hàng, trong đó báo cáo tài chính đã kiểm toán là một công cụ. Tuy nhiên, họ còn “soi” kỹ nhiều khía cạnh khác như chiến lược kinh doanh, báo cáo thực hiện các chiến lược ấy, phân tích chuỗi báo cáo tài chính nhiều năm liên tục… để từ đó ra được kết luận về sức khỏe của ngân hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, tại các nước có thị trường tài chính phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia..., hầu hết ngân hàng đều thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Các nhà đầu tư, người gửi tiền, mua trái phiếu do ngân hàng phát hành thường nhìn vào đánh giá này. Đó là cơ sở quan trọng để củng cố lòng tin của họ vào ngân hàng vì thực tế họ ít có cơ hội tìm hiểu sâu nguồn vốn, cấu trúc tài sản của ngân hàng. Với những chỉ số đã được phân tích, họ sẽ chỉ ra được thực trạng và dự báo tương lai ngân hàng một cách tương đối chính xác.
Trong một môi trường quốc tế cạnh tranh, cái đích để hướng tới đã không còn đơn thuần chỉ gói gọn trong biên giới Việt Nam, mà hơn hết ngân hàng Việt Nam hiện nay phải tiệm cận và đạt được các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Bảng xếp hạng tính nhiệm còn để các ngân hàng có cơ sở để đánh giá lại và đặt ra lộ trình phấn đấu thực hiện nhằm đạt tới mức an toàn, uy tín…