Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trẻ bị ngộ độc hóa chất do bố mẹ bất cẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do uống nhầm dầu hỏa, dầu máy. Và cách sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc dầu hỏa, dầu máy là thắc mắc được nhiều phụ huynh quan tâm.

Nhầm dầu hỏa với nước trà

Mới đây nhất, bé Nguyễn Văn L. 3 tuổi trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện vì bị ngộ độc dầu hỏa.

Theo mẹ của bé, trong lúc bất cẩn, chai dầu hỏa được bà nội đựng vào lọ nước trà xanh 0 độ đã dùng từ trước. Mọi người không để ý, cháu bé đã mở nắp lấy uống. Chị Hoa mẹ của bé đang làm bếp thấy con khóc ho liên tục. Chị chạy ra thì thấy cháu bé hơi nồng nặc mùi dầu hỏa.

Hai mẹ con cháu bé vội bắt taxi vào bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ tại khoa Nhi khi nhập viện cháu bé ho nặng, miệng đầy hơi dầu hỏa. Dù cháu không có dấu hiệu ngộ độc nặng nhưng bác sĩ vẫn cho nhập viện để theo dõi tình trạng viêm phổi do hóa chất.

Viêm phổi vì uống nhầm dầu máy
Được điều trị kịp thời nên ngày 30/9 sức khỏe của cháu A. đã ổn định và có thể chơi đùa bình thường như bao bạn nhỏ khác.
Được điều trị kịp thời nên sức khỏe của cháu A. đã ổn định và có thể chơi đùa bình thường như bao bạn nhỏ khác.
Theo tin từ Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, cách đây không lâu, khoa đã tiếp nhận trường hợp cháu Nguyễn Ngọc A, 4 tuổi, ở Lạc Trung - Hai Bà Trưng - Hà Nội bị ngộ độc dầu máy khâu.

Theo bệnh án của bé Ngọc A., tối hôm trước xảy ra tai nạn, bố bé đi mua dầu máy khâu về để tra vào đồng hồ và đựng dung dịch này trong chai Lavie 500 ml. Bé Ngọc A. đi chơi về, khát nước thấy chai Lavie chứa dầu máy để trên bàn tưởng là nước liền mở ra uống. Bé mới uống được hai ngụm thì bố phát hiện được,móc họng nhằm tống chất lạ ra ngoài. Tuy nhiên sau đó, cháu A. bị ho nhiều hơn và phải nhập viện điều trị viêm phổi.

Theo BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc trẻ uống nhầm phải dầu máy khâu cực kỳ nguy hiểm. Khi trẻ uống và hít phải dầu máy sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử phổi nếu hít phải lượng lớn.
Một số khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh:

Không nên tận dụng vỏ chai nước khoáng (Lavie, C2, O2…) để chứa các dung dịch không dùng để uống (dầu máy khâu, cồn, dầu hỏa…) vì rất dễ gây uống nhầm vì tưởng là nước uống.

Nếu tận dụng vỏ chai nước khoáng để đựng dung dịch thì phải ghi rõ loại hóa chất, không để trên mặt bàn hoặc nơi để đồ uống và để xa tầm với của trẻ em

Khi đã lỡ uống rồi thì không nên gây nôn bằng cách móc họng bởi như vậy trẻ sẽ bị ho nhiều hơn và càng hít phải hơi dầu máy nhiều hơn nên càng nguy hiểm.

Khi phát hiện con uống nhầm chất lạ, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và sư cứu kịp thời theo hướng dẫn của bác sỹ.