Nhiều trường buông lỏng tiêu chí... đạt chuẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giờ lên lớp của cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quý Trung

Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy và học thiếu, sĩ số học sinh (HS) trong lớp vượt quá quy định, đặc biệt, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) nhưng quá 5 năm không được đánh giá lại… là những vấn đề "chạm" đến nhiều trong đợt giám sát vừa qua của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP tại 12 trường có 3 cấp học ở 5 quận, huyện Hà Nội.

Quá hạn…

Tiêu chí quan trọng nhất để xét trường đạt CQG là bảo đảm số HS trong một lớp không quá 35 em, một trường không quá 30 lớp đối với bậc tiểu học và 15 lớp đối với bậc mầm non… Tuy nhiên, qua rà soát một số trường như Mầm non Bách khoa (quận Hai Bà Trưng), tiểu học - THCS Quang Trung (quận Đống Đa), THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ)… thấy một số tiêu chí đang đối mặt với hiện tượng "rơi" chuẩn.Ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ A cho biết: "Với 3 khối lớp (10, 11, 12), trường có 45 phòng học, tổng số 1.944 HS, bình quân 43,2 HS/lớp. Hiện, trường vẫn còn khu phòng học cấp 4 đã xuống cấp, nguy cơ không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học. Được công nhận đạt CQG năm 2006, trong khi đó các phòng học bộ môn, thư viện được cải tạo từ các phòng học, đến nay chưa được xây mới nên chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thiết bị thực hành thí nghiệm được trang bị, song chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học phân ban, phân luồng cũng vậy". Sau 8 năm chưa đánh giá lại, hiện,  trường THPT Chương Mỹ A đang trong quá trình sửa chữa, cải tạo trường (2 giai đoạn, tổng số vốn 30 tỷ đồng), song dự án dang dở vì thiếu vốn. Vì thế, trường chưa xin đánh giá lại tiêu chí trường chuẩn.

 
Giờ lên lớp của cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quý Trung
Kinhtedothi - Giờ lên lớp của cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quý Trung
Tương tự, trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) đã được công nhận CQG từ tháng 12/2013. Song, ngoài các tiêu chí về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, thì sĩ số HS/lớp cũng vi phạm tiêu chí CQG. Lý giải việc sĩ số HS/lớp tăng, bà Đào Lệ Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là địa bàn có số dân cư đông, đúng tuyến gần 100%, chưa kể KT2, KT3. Năm 2013, số HS lớp 1 tăng đột biến nên trường tuyển tăng 2 HS/lớp. Tại quận Đống Đa, trong 27 trường đã đạt CQG có 2 trường vướng về tiêu chuẩn cơ sở vật chất xuống cấp là trường Mầm non Kim Liên và THCS Cát Linh.  Xung quanh vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sẽ phối hợp với các quận, huyện kiểm tra, thiếu gì, hay cần thêm gì sẽ hoàn thành chỉ tiêu đó.

Hỗ trợ kinh phí

Để đánh giá giữa trường chuẩn và trường chưa chuẩn; kế hoạch khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như thế nào; tiêu chí cơ sở vật chất có đạt không… là câu hỏi đặt ra đối với các trường.

Ông Nguyễn Văn Chính - Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) bày tỏ: "Hai năm trở lại đây, trường thiếu nguồn tuyển do điểm đầu vào cao. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa, cấp thêm nguồn kinh phí để trường xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn". Đa số lãnh đạo các trường cũng đề xuất TP có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường để duy trì danh hiệu CQG.

Xây dựng trường CQG được xem là một trong những tiêu chí nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong khi số lượng trường CQG còn hạn chế, thì nhiều trường đã được công nhận lại đang đối mặt với việc "tuột chuẩn". Bà Nguyễn Thị Thùy - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP đề nghị các nhà trường tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, duy trì tốt danh hiệu đạt CQG, phấn đấu để chất lượng dạy và học tương xứng với đầu tư. Đặc biệt, các trường phải tự rà soát lại, thiếu tiêu chí nào thì bổ sung. Đối với các trường đã đạt chuẩn, nhưng sĩ số HS/lớp cao, các quận, huyện có cơ chế tuyển sinh phù hợp vào kỳ tuyển sinh tới, đúng theo quy định trường chuẩn.