Nhiều trường chưa dùng hết quyền tự chủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng đào tạo cử nhân, kỹ sư đang có vấn đề, là nguyên nhân chính khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm.

Chỉ Việt Nam mới có giảng viên cơ hữu

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra vấn đề này tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014 – 2017, diễn ra sáng 18/3. Đây là cuộc làm việc quan trọng, để tìm lời giải cho bài toán này.
Sinh viên ngành Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân trên giảng đường. 	Ảnh: Phạm Hùng
Sinh viên ngành Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Thực hiện Nghị quyết số 77, đến nay, Chính phủ đã cho phép 13 trường ĐH công lập được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Sau thời gian thực hiện, nguồn tuyển vào bậc ĐH của các trường dồi dào, đạt được kết quả tốt về chất lượng và số lượng. Được thu học phí cao hơn mức quy định chung đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường vẫn gặp phải vướng mắc. Vì thế, tại hội nghị này, 13 trường đã đưa ra  9 đề xuất kiến nghị. Cụ thể là cần có chính sách miễn thuế thu nhập DN đối với nguồn thu từ tiền lãi gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ  hỗ trợ sinh viên… Xem xét, nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên (GVTG/SV) để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, là kiến nghị của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nhưng, đây lại là mong muốn của nhiều trường, bởi GVTG đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phản đối kiến nghị này: “Có nhiều trường bên ngoài cũng đề nghị được tính cả GVTG/SV, vì thế giới tỷ lệ GV cơ hữu và thỉnh giảng lên tới 50/50.  Nếu chúng ta theo thế giới thì rất khó quản, vì một thỉnh giảng làm quản lý DN có thể đi dạy cho tới 10 trường, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Chính vì thế, khi cho phép mở ngành, Bộ quan tâm  đến GV cơ hữu/SV. Bộ cũng khuyến khích các trường mời GVTG vào để tăng cường thêm chất lượng.

Bà   Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Hiện, Bộ đưa ra quy định ở mức tối thiểu về GV khi mở ngành. Những trường hợp đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với bộ chủ quản của trường (như Bộ VHTT&DL) để cho phép tính thêm tỷ lệ GVTG nhưng phải quản lý được. Để giải quyết câu chuyện GVTG, Phó Thủ tướng yêu cầu các trường cần công khai danh tính GVTG, số giờ dạy gửi về Bộ để cập nhật thông tin lên phần mềm cho mọi người cùng theo dõi. Như thế, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giám sát,  Bộ GD&ĐT không phải lo lắng chất lượng đào tạo của các trường.

Tính chỉ tiêu đầu vào hay ra?

Vấn đề xác định chỉ tiêu nên được tính theo đầu vào tuyển sinh hay đầu ra? Thực tế, các nước tính theo đầu ra trong khi Việt Nam vẫn tính theo đầu vào. Theo giải trình của đại diện   ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, chuẩn đầu vào của trường ngày càng đươc nâng cao, từ 20 đến 22 điểm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 80%. Trong thời gian đào tạo, số SV “rơi, rụng” dần, nên trường bị giảm nguồn thu từ học phí. Bởi vậy, trường muốn được áp dụng chỉ tiêu đầu ra thay vì áp đầu vào như hiện nay. Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề gian nan của ĐH Việt Nam. Hệ thống thi cử dẫn đến việc học của học sinh phổ thông nặng nề và khó khăn; vào ĐH như vượt vũ môn. Vào bao nhiêu ra bấy nhiêu dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao và SV không có động lực học.

“Quan điểm của Bộ là luôn chú trọng chất lượng đầu ra. Chúng ta không thể lấy chỉ tiêu đầu ra 1.500 mà tuyển tới 3.000 sinh viên. Bài toán ở đây là bổ sung chỉ tiêu cho liên thông, như thế sẽ hợp lý hơn” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ. Tuy nhiên, cho rằng, chỉ tiêu đầu vào các nước không quy định, vì thế mình cần có cơ chế bù chỉ tiêu cho các trường. Đó là việc rất quan trọng.

Tổng kết sau một năm thực hiện Nghị quyết 77, Phó Thủ tướng cho biết: Phần lớn các trường vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ và còn một số điểm vướng cần tháo gỡ. Đây là con đường tất yếu phải đi, không vội vàng nhưng cần khẩn trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tự chủ không có nghĩa là buông xuôi về tài chính. Chúng ta có học bổng để không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao của con em nhà nghèo. Tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình, nếu vi phạm thì phải xử lý nặng hơn"…