Nhiều ngành đại học chính quy có điểm sàn 15
Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay, với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 tăng hơn năm trước nên một số trường ĐH top trên công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức cao như 20 điểm, 21 điểm, 23 điểm, 23,80 điểm. Các trường ĐH top trên dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng hơn năm trước từ 0,5 - 1,5 điểm, tùy theo từng ngành.
Trong khi đó, có không ít trường ĐH công lập khác ở top dưới hơn thông báo mức điểm nhận hồ sơ cho các ngành ĐH chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 là 15 điểm, đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Cụ thể, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Mỏ - Địa chất, ngưỡng điểm xét tuyển đợt 1 hệ ĐH năm 2021 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, có nhiều ngành ở mức 15 điểm: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Địa kỹ thuật xây dựng, Du lịch địa chất, Kỹ thuật trắc địa – bản đồ, Quản lý đất đai, Kỹ thuật mỏ, Kỹ thuật tuyển khoáng, Địa tin học, Kỹ thuật xây dựng, Xây dựng công trình ngầm thành phố và hệ thống tàu điện ngầm, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên môi trường, Quản lý công nghiệp.
Các em thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1, tại Hà Nội phấn khởi vì đề thi cơ bản, làm được bài thi. Ảnh: Ngọc Tú. |
Trường ĐH Điện lực cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 tuyển sinh hệ ĐH chính quy năm 2021 theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có nhiều ngành lấy điểm sàn 15: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Quản lý công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Năm nay, trường ĐH Nội vụ Hà Nội thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cao hơn năm trước nhưng một số ngành mức điểm 15 là: Thông tin thư viện chuyên ngành Quản trị thông tin (tổ hợp A01, D01), Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Quản lý công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường. Thậm chí, ngành Chính trị học chuyên ngành Chính sách công (D01) có điểm sàn 14,5 điểm.
Đáng chú ý, Hội đồng tuyển sinh Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam áp dụng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT hệ ĐH chính quy năm 2021 cho tất cả 7 ngành thuộc 4 tổ hợp xét tuyển (C00, C20, D01, A09) đều là 15 điểm: Quan hệ công chúng, Quản lý nhà nước, Luật, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Công tác xã hội, Công tác Thanh thiếu niên, Tâm lý học.
Hết sức cân nhắc khi chọn trường lấy điểm chuẩn thấp
Trước thông tin nhiều trường lấy điểm sàn xét tuyển ĐH chính quy có 15 điểm, không ít thí sinh có mức điểm thi cao hơn vài điểm hết sức băn khoăn về khả năng trúng tuyển. “Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam công bố mức điểm sàn 15, trong khi em thi đạt được 17 điểm tổ hợp D01, liệu thể đỗ được vào ngành Quan hệ công chúng hoặc ngành Luật? Được biết, năm 2020, 2 ngành này của Học viện đều có điểm trúng tuyển là 17” – thí sinh Nguyễn Thanh Hoài đến từ quận Thanh Xuân đặt câu hỏi.
Là chuyên gia tuyển sinh ĐH, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viên thông cho rằng: Các trường ĐH công bố điểm sàn cao hay thấp là do thương hiệu của họ. Thực ra, các trường ĐH cũng muốn đưa ra mức điểm sàn cao để xét tuyển. Nhưng nếu họ lấy điểm sàn cao mà ít thí sinh đăng ký sẽ làm khó mình, vì có chỉ tiêu tuyển sinh tương đối.
Chính vì thế, để có nguồn tuyển, các trường chấp nhận đưa ra mức điểm sàn thấp để có thí sinh tham gia. Khi xét tuyển sinh, các trường sẽ lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Thí sinh đang tìm hiểu thông tin về ngành nghề đào tạo đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc. |
“Với những trường ĐH top dưới (top khó tuyển sinh đầu vào), hàng năm họ thường lấy điểm trúng tuyển đầu vào thấp, do ít thí sinh đăng ký học, thì các em phải hết sức cân nhắc có nên đăng ký vào trường đó học không hay chọn một con đường khác như học nghề... để ra trường có việc làm ngay, còn hơn có bằng ĐH nhưng thất nghiệp!” – PGS Lê Hữu Lập nói.
Các trường ĐH công bố điểm sàn 15, việc đăng ký xét tuyển hay không là do thí sinh quyết định. Nhưng quyết định của thí sinh cần dựa vào mục tiêu, năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế của gia đình, dự báo nhu cầu nhân lực của đất nước trong tương lai.
Đưa ra những yếu tố đó, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình đã có lời khuyên chân tình đối với thí sinh: Những trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn 15 hoặc cao hơn sàn một chút, người học ra trường rất khó xin việc. Nếu thí sinh có ý chí, động lực, đam mê với ngành học của trường đó và điểm thi tốt nghiệp THPT do một yếu tố nào đó chưa đạt yêu cầu thì các em hãy đăng ký, dành hết tâm sức, năng lực để học ĐH. Còn nếu các em vào học ĐH để cho oai, thỏa mong ước của bố mẹ, gia đình, dòng họ thì không nên vì mất thời gian, tốn kém tiền bạc mà sau này tốt nghiệp ĐH lại không sử dụng được tấm bằng.
Thực tế cho thấy, thế kỷ 21, chuyện coi trọng bằng cấp trong xã hội đã giảm đi nhiều. Quan trọng là anh có làm được việc bằng năng lực thực sự của mình, chứ không phải cứ có bằng ĐH là được doanh nghiệp tuyển chọn, có việc làm. Các nhà tuyển dụng bây giờ coi trọng những người có kỹ năng và làm được việc thì sẵn sàng trả mức lương tương xứng cùng các chế độ ưu đãi khác.