Nhiều trường trung cấp y, dược xin được về Bộ GD&ĐT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức xúc vì không được đối xử như trường sư phạm, lãnh đạo nhiều trường trung cấp (TC) y, dược đề nghị được "về chung nhà" với Bộ GD&ĐT và đổi tên thành cao đẳng (CĐ).

Không thể về Bộ LĐTB&XH

Dù từ 3/9/2016, Chính phủ đã quyết định Bộ LĐTB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhưng các trường TC và CĐ y, dược không đồng tình với quyết định này. Bởi đào tạo ngành sức khỏe không chỉ là tay nghề mà còn mang tính học thuật, đặc biệt với nghề y - một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chính vì thế, hiệu trưởng nhiều trường TC và CĐ y, dược cho rằng giao họ vào tay Bộ LĐTB&XH quản lý sẽ rất khó có sự liên thông trong giáo dục.

Ngay tại hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo CĐ và TC y, dược" diễn ra sáng 15/9 tại trường TC Y, dược Lê Hữu Trác, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung cho phép các trường CĐ, TC đào tạo ngành y, dược vào "ngôi nhà" của Bộ GD&ĐT. "Về y, dược giao cho Bộ LĐTB&XH quản lý thì không chắc chắn. Tôi đề nghị tất cả những gì cần phải đào tạo thì do Bộ GD&ĐT quản lý, còn Bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ làm nhiệm vụ sử dụng sản phẩm đào tạo" - ông Phan Văn Các - Hiệu trưởng trường TC Kỹ thuật Y dược Hà Nội đề nghị.
Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Trần Anh
Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Trần Anh
Đồng quan điểm, ông Lương Quang Ngọc - Hiệu trưởng trường TC Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) còn khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo mà cắt khúc quản lý sẽ dẫn đến tình trạng "trên nói dưới không nghe"... Khi tách giáo dục nghề nghiệp - khúc giữa trong hệ thống giáo dục quốc dân - giao cho Bộ LĐTB&XH, còn Bộ GD&ĐT quản lý 2 đầu là phổ thông và đại học thì hiệu quả giảm đi 50%. "Hiện nay, các trường TC và CĐ y, dược chúng tôi thực sự hoang mang vì không biết đi đâu, về đâu, mô hình ra sao. Khi chúng ta chưa an cư thì không thể lạc nghiệp. Và khi phân mảng giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý, nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH, vậy trong trường hợp nhà trường cùng đào tạo cả hai thì lại là "1 cổ 2 tròng"? Chính vì thế, tôi muốn Chính phủ xem lại để đưa ra quyết định sáng suốt hơn".

Trắng tuyển sinh

Hiện tại, lãnh đạo nhiều trường TC như "đang ngồi trên chảo lửa" khi Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề Điều dưỡng, hộ sinh và Kỹ thuật. Theo đó, từ năm 2018 trở đi, các trường TC sẽ ngưng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 ngừng tuyển dụng hệ  điều dưỡng, hộ sinh và Kỹ thuật y học... "Thông tư 26 đã "bóp chết" tức thời, không cho chúng tôi nói lên tiếng nói" - ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP Hồ Chí Minh bức xúc.

Thực tế, mùa tuyển sinh 2016, tất cả các trường  TC y, dược dân lập, tư thục, thậm chí công lập trên cả nước "trắng tuyển sinh". Đứng trước sự sống còn, vừa rồi, 16 trường TC đào tạo ngành sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi các cơ quan cấp cao của Nhà nước kiến nghị về việc sửa lại và tạm ngừng thực hiện Thông tư 26. Đồng thời các trường đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đổi tên TC chuyên nghiệp thành CĐ cho phù hợp với quy chuẩn chung quốc tế. Ông Phạm Văn Minh - Hiệu trưởng Trường TC Y, dược Tuệ Tĩnh còn bày tỏ: Trước năm 2005, các trường TC đào tạo đội ngũ y, dược 3 năm ra trường làm việc có tay nghề rất giỏi. Nhưng khi Luật Giáo dục ra đời, thời gian rút xuống còn có 2 năm. Bây giờ Bộ Y tế nói là đào tạo 3 năm theo chuẩn chung của ASEAN, thì đề nghị bỏ chữ TC và coi như đào tạo trình độ CĐ 3 năm cho phù hợp. Nhưng trước hết, phải điều tra, so sánh trình độ đào tạo 3 năm của các trường trong khối ASEAN cao hơn bao nhiêu về kiến thức, thực hành để có điều chỉnh.
Nhiều đại biểu khẳng định việc Bộ LĐTB&XH quản lý giáo dục nghề nghiệp sẽ làm danh tiếng các trường TC chuyên nghiệp bị ảnh hưởng; khó thống nhất khi chương trình TC chuyên nghiệp và TC nghề rất khác nhau. Bản thân việc liên thông giữa các trường cũng khó thực hiện nếu không chung một đầu mối quản lý là Bộ GD&ĐT như trước.