Nhiều ứng cử viên lúng túng lập hồ sơ bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/3, tại Hội nghị hướng dẫn lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri đối với những người ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021, lãnh đạo UB MTTQ TP Hà Nội cho biết, có không ít ứng cử viên còn lúng túng về thủ tục lập hồ sơ bầu cử…

Phần lớn các trường hợp còn lúng túng lập hồ sơ là các trường hợp người tự ứng cử ĐB Quốc hội. Bà Nguyễn Thúy Hạnh - đại diện thường trú tại Hà Nội của Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam, nhưng trụ sở của Công ty ở tỉnh Phú Yên, bày tỏ băn khoăn, như trường hợp của bà, vào tận Phú Yên lấy ý kiến nhận xét (nơi làm việc) của Công ty, hay ở Hà Nội?

Có trường hợp của ứng viên Tạ Hồng Phúc - Cố vấn thị trường của Công ty nước ngoài, trụ sở của Công ty này ở Hà Lan… Ngoài ra, có một số ý kiến băn khoăn: ứng viên ăn ở, làm việc một chốn “đôi nơi”, như hộ khẩu ở quận A, nhưng thường ngày sống và sinh hoạt ở quận B… Hoặc ứng cử viên làm việc tự do tại nhà (không thuộc cơ quan, tổ chức, DN nào)… lấy ý kiến nơi công tác thế nào.

Trả lời những băn khoăn trên, Phó Chủ tịch MTTQ TP Bùi Anh Tuấn cho biết, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐB Quốc hội được tổ chức nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố (không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn).
Về lấy ý kiến nơi công tác. Người ứng cử ĐB Quốc hội làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế thì người đứng đầu đơn vị phối hợp với BCH Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị. Trường hợp, người ứng cử làm việc tại  nhiều nơi, thì tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên. 

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch MTTQ TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi các ứng cử viên cần chủ động liên hệ chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là khu dân cư, tổ dân phố, thôn xóm và Ban công tác mặt trận cùng cấp để thống nhất địa điểm, thời gian họp mặt với cử tri để hoàn thành hồ sơ, chậm nhất là ngày 12/4/2016.