Gây khó cho thành viên mới?
Theo phản hồi của nhiều Quỹ Tín dụng Nhân dân (TDND) trên địa bàn TP, Thông tư mới chưa tạo được hành lang pháp lý thuận lợi để các Quỹ TDND hoạt động. Thậm chí còn vô tình tạo thêm nhiều áp lực, gây khó khăn đối với hoạt động về lâu dài của các Quỹ TDND. Cụ thể, khoản 1 điều 28 của Thông tư quy định mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 300.000 đồng - được đánh giá là quá cao, bởi các thành viên xác lập đa số là để vay vốn, nếu vốn góp tối thiểu ban đầu lớn sẽ không thu hút được thành viên tham gia. Liên quan tới khoản 5 điều 41 của Thông tư quy định mức đóng góp thường niên tối thiểu là 100.000 đồng, bà Mai Thị Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Quang Trung (quận Hà Đông) cho rằng, mức đóng góp này không phù hợp với hoạt động của các Quỹ TDND. Bởi thực tế, khi người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Quỹ thì mới gia nhập thành viên, trong số đó cũng chỉ có 20 - 30% thành viên thường xuyên vay vốn và có tiền gửi tại Quỹ. “Nếu đã trả hết nợ mà vẫn phải góp vốn thường niên thì nguy cơ thành viên xin rút rất cao. Chỉ khi có nhu cầu vay vốn họ sẽ lại gia nhập, từ đó gây khó khăn cho hoạt động của các Quỹ TDND” - bà Hương bày tỏ quan điểm.
Cùng với khoản 1 điều 28 và khoản 5 điều 41, các khoản 3 điều 8 và khoản 2 điều 36 của Thông tư số 04 cũng được cho là gây bất lợi cho hoạt động của các Quỹ TDND. Thực tế hiện nay, việc huy động vốn cho các Quỹ TDND không dễ. Nếu giới hạn thêm 2 điều khoản trên (tổng mức tiền gửi của thành viên phải chiếm 50 - 60%) sẽ vô tình hạn chế quy mô huy động vốn nói riêng và quy mô hoạt động của Quỹ nói chung. Theo nhận định của đại diện nhiều Quỹ TDND, quy định trên không giúp hoạt động của các Quỹ an toàn hơn, thậm chí còn gây bất bình đẳng giữa Quỹ TDND với các tổ chức tín dụng khác. Lý do là vì Quỹ TDND phải huy động tiền gửi của thành viên chiếm tối thiểu 50 - 60%, trong khi các tổ chức tín dụng khác được huy động tiền gửi của tất cả mọi người (kể cả các thành viên Quỹ TDND).
Sẽ tiếp tục kiến nghị
Theo thống kê của Liên minh HTX TP Hà Nội, toàn TP hiện có 98 Quỹ TDND. Hầu hết các Quỹ TDND hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều năm qua trở thành cầu nối quan trọng trong hỗ trợ các hội, tổ chức, đoàn thể, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sự ra đời của Thông tư số 04 với nhiều điều khoản được đánh giá là chưa thực sự hợp lý đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất khả năng chi trả và an toàn trong hoạt động của các Quỹ TDND. Dù vậy, khi trao đổi với đại diện các Quỹ TDND trên địa bàn TP, ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh Thanh tra NHNN Việt Nam khẳng định “chắc nịch”, Thông tư số 04 được nghiên cứu, ban hành tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành, không o ép, và đặc biệt hoàn toàn không có lợi ích nhóm! Các Quỹ TDND thấy chưa hợp lý, chưa áp dụng hiệu quả là do chưa nắm bắt được đầy đủ về nội dung, cũng như ý nghĩa của Thông tư (?!).
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng ban Chính sách phát triển (Liên minh HTX Việt Nam) bày tỏ quan điểm, những phản hồi có phần gay gắt của đại diện các Quỹ TDND trên địa bàn TP Hà Nội đối với một số điều khoản của Thông tư số 04 là có cơ sở. Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều Quỹ TDND các tỉnh, TP khác trên cả nước. Theo ông Tuấn, NHNN cần sớm có khảo sát, đánh giá cụ thể về tính hợp lý của Thông tư mới, bao gồm cả thời điểm ban hành, lẫn hiệu quả về mặt quản lý Nhà nước. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết thêm, đơn vị sẽ tiếp tục tổng hợp phản hồi của các thành viên về những vấn đề chưa rõ liên quan tới Thông tư số 04. Những ý kiến này là cơ sở trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các Quỹ TDND trên địa bàn TP.
Người dân đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng Nhân dân Quang Trung (Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt
|