70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều vấn đề “nóng” của công nhân được Thủ tướng trả lời thỏa đáng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 2.000 công nhân lao động (CNLĐ) vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sáng 22/4, đã có 9 câu hỏi được chuyển đến Thủ tướng, đều là những vấn đề nóng, thiết thực với đời sống NLĐ và nền kinh tế.

Trong đó đáng chú ý, chị Cao Thị Thắm - công nhân Công ty Rieker (Quảng Nam) phản ánh: Dù đời sống còn khó khăn, công nhân vẫn cố gắng đóng bảo hiểm đầy đủ, song nhiều DN không thực hiện trách nhiệm, khiến có công nhân không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Thủ tướng có giải pháp gì hạn chế tình trạng này?

 
Trước câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, BHXH là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội, nhưng tình trạng DN trốn đóng BHXH đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Có lúc thống kê tới hàng chục ngàn DN không đóng BHXH, trị giá hơn 15.000 tỷ đồng; hàng trăm ngàn công nhân có nguy cơ bị mất quyền lợi.

“Tôi được biết, Tổng LĐLĐ đã có nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ Luật BHXH, tập huấn cho cán bộ công đoàn về kỹ năng tham gia khởi kiện; đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với BHXH, với TAND tối cao, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để Công đoàn có thể khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH… Với cương vị Thủ tướng Chính phủ, tôi cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định của pháp luật. Tin rằng những giải pháp quyết liệt như thế sẽ đủ sức răn đe những DN có ý định trốn đóng BHXH cho NLĐ”, Thủ tướng khẳng định.

 
Trước đề xuất của công nhân về việc “DN cần có chính sách động viên Thủ tướng đề nghị DN tạo điều kiện, chính sách động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động”, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao trình độ cho NLĐ. Về phía DN, cũng phải có chính sách đào tạo riêng - đó là sự sống còn của DN, bởi con người là nguồn lực quan trọng. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ. Về phía công nhân, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, phải cố gắng không ngừng thì mới tồn tại. Thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tổ chức công đoàn, các DN cần phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các chương trình học bổng dành cho công nhân học để nâng cao chuyên môn, tay nghề, để đảm bảo công việc và được tăng lương...
 

Chị Phan Thị Tuyết Sương - công nhân Cty TNHH Điện tử Foster (Quảng Nam) bày tỏ: “Công nhân chúng tôi rất phấn khởi trước thông tin Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn, mong ước điều này sớm thành hiện thực”. Trước nguyện vọng này của chị Sương, Thủ tướng cho biết: Tôi được báo cáo hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN, KCX trên cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế hỗ trợ pháp luật cho CNLĐ là hết sức bức thiết. Với đồng lương còn hạn hẹp hiện nay, việc để có được chỗ ở (dù khiêm tốn) cũng là mơ ước của nhiều công nhân. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh xây dựng các khu thiết chế của công đoàn, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, vốn, thuế… để khuyến khích ngày càng có nhiều DN quan tâm đầu tư xây nhà ở cho công nhân.

“Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, TP phối hợp cao nhất với công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn cho công nhân. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng DN quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, Thủ tướng nói.

 

Trả lời câu hỏi của anh Nguyễn Ngọc Quang (khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) về việc nhiều DN muốn sử dụng lao động trẻ và “né tránh” những lao động trung, cao tuổi; lao động ngoài 30 tuổi với mức lương và mức đóng BHXH tăng dần sẽ bị sa thải, Thủ tướng khẳng định đã biết rõ và nhấn mạnh phải có biện pháp khắc phục vấn đề này bằng cách nâng cao tay nghề để chứng tỏ tay nghề tuổi 35 - 40 không kém gì tay nghề trẻ, điều này rất quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ luôn tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ DN thực hiện đúng luật lao động đã quy định.

“Nhân đây tôi muốn nói dù ở độ tuổi nào thì Nhà nước, thể chế pháp luật luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ”, Thủ tướng khẳng định.

Trước kiến nghị của công nhân về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Thủ tướng cho biết Quỹ này tồn đọng lớn vì chủ yếu chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển trong nghiệp, trong đó chỉ rõ cần “đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao”. Thời gian tới, thực hiện quy định tại Luật Việc làm, Chính phủ sẽ chỉ đạo dùng Quỹ này chi cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN.

Ngay sau buổi đối thoại với CNLĐ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Bùi Văn Cường đã tặng Bằng khen, tặng hoa tuyên dương những NLĐ xuất sắc và chứng kiến lễ ký kết giữa Công đoàn với 8 DN để cùng chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, để triển khai, đưa các sản phẩm dịch vụ đến đoàn viên và NLĐ với giá ưu đãi.