Nhiều vi phạm về tiếp thị, quảng cáo sữa

Trà Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị ảnh hưởng của quảng cáo, tin vào tính năng vượt trội của sữa công thức, nhiều bà mẹ đã dùng sữa bột thay thế sữa mẹ ngay khi con mới lọt lòng.

Qua khảo sát của Bộ Y tế thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến.

Vi phạm phổ biến

Mới mang bầu được 7 tháng, chị Nguyễn Mai Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được một hãng sữa mời đến dự hội thảo tư vấn sử dụng sữa dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Khi chị vừa sinh, đại diện một nhãn hiệu sữa khác lại gọi điện tư vấn về tác dụng của loại sữa mà hãng đang kinh doanh. Cũng giống như chị Mai, nhiều sản phụ khác khi mang bầu hay sau khi sinh đều được các cơ sở gọi điện tư vấn, mời đến hội thảo, thậm chí mang sản phẩm sữa đến tiếp thị, quảng cáo.
Khách hàng chọn mua sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại hệ thống siêu thị Coop mart. Ảnh: Thanh Vũ
Khách hàng chọn mua sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại hệ thống siêu thị Coop mart. Ảnh: Thanh Vũ
Đề cập đến vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Thủy - chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. “Ngay bản thân tôi khi đến khám thai ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì họ gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng phản ánh như vậy. Điều này cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng” - bà Thủy chia sẻ.

Từ ngày 1/3/2015, Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến.

Cụ thể, qua khảo sát độc lập 814 phụ nữ, có đến 80% cho biết vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con được nhân viên y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đặc biệt, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ. Nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng, đại diện các công ty sữa đã đến tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Không sữa nào thay thế được sữa mẹ

 “Không có loại sữa nào thay thế được sữa mẹ. Chính sữa mẹ đã cứu sống 1,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm” là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Trẻ được nuôi bằng sữa bột sẽ có sức đề kháng và miễn dịch kém hơn trẻ được bú mẹ. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch lúc trưởng thành. Việc cho trẻ bú mẹ không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện. Cho trẻ bú giúp mẹ nhanh chóng giảm cân, sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh. Bên cạnh đó, làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nguyên nhân, thách thức dẫn đến tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng giờ đầu sau sinh cũng như bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn thấp. Tình trạng trẻ ăn sữa bột thay thế sữa mẹ và ăn bổ sung trước 6 tháng khá phổ biến.

Vì vậy, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những cơ sở vi phạm trong tiếp thị, quảng cáo sữa cũng như sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ trẻ bú mẹ – giảm nguy cơ trẻ đau ốm, suy dinh dưỡng và tử vong.
Theo Điều 9 của Nghị định 100/NĐ-CP phần quy định về nhãn thức ăn bổ sung dùng cho trẻ nhỏ phải bảo đảm yêu cầu sau đây:  Phải ghi rõ: “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi”. Dòng chữ này phải ở mặt trước của sản phẩm, bằng chữ in hoa, chiều cao của chữ không được dưới 2mm. Màu sắc của chữ phải rõ ràng và có màu tương phản so với màu nền của nhãn; Phải có chữ in hoa: "CHÚ Ý", sau đó là chữ in thường về nội dung cần chú ý như sau: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ". Phải ghi rõ độ tuổi phù hợp của trẻ khi sử dụng sản phẩm...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần