Tại đây, vấn đề phân cấp quy hoạch được khẳng định đã tạo sự chủ động cho địa phương trong quản lý, nhưng hiện vẫn còn nhiều điểm "vướng".
Phân cấp toàn diện vẫn phải... xin
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, giai đoạn 2008 - 2012, trong thẩm quyền được phân cấp, quận đã lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 3 điểm dân cư đô thị hóa tại các phường Yên Hòa, Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu và tổ chức công khai, cắm mốc trên địa bàn. Năm 2013, sẽ tiếp tục phê duyệt các điểm dân cư đô thị hóa tại phường Dịch Vọng. Đối với các dự án, công trình riêng lẻ, quận đã phê duyệt tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đối với 58 dự án.
Mặc dù được phân cấp toàn diện, nhưng Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nguyễn Đắc Tuyến cho biết, Sở QH - KT vẫn chưa phê duyệt bản đồ phân vùng, phân cấp quy hoạch nên dự án nào quận cũng phải "xin" Sở phê duyệt khung phạm vi ranh giới… Và đây chính là nguyên nhân làm nhiều đồ án rơi vào thụ động. Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Dương Tuấn, toàn TP hiện mới có quận Thanh Xuân, Tây Hồ và một phần quận Đống Đa có bản đồ phân cấp. Điểm vướng này, Sở đang cố gắng hoàn thiện.
Một góc Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Yên Chi
Giao nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền
Tuy được đánh giá là làm tốt việc quản lý quy hoạch, nhưng 10/11 quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Cầu Giấy đều do các chủ đầu tư khác quản lý và 8 khu vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng. Điều này gây không ít khó khăn trong việc quản lý, duy trì hệ thống hạ tầng, đặc biệt tạo ra sự "khấp khểnh" giữa đô thị với các khu dân cư làng xóm cũ. Nhiều khu đô thị triển khai chậm, để tái lấn chiếm; không ít tuyến đường, hạ tầng qua nhiều năm vẫn chưa khớp nối… và quận đang phải tìm cách tháo gỡ bằng việc lập quy hoạch tổng thể.
Cùng với đó, khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch cũng được quận chỉ ra là nhiều chính sách chưa rõ ràng. Hiện, Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định của Chính phủ, quy định của TP về cấp phép, quản lý quy hoạch đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn thiếu hướng dẫn chi tiết, đầy đủ. Chủ tịch UBND quận Dương Cao Thanh đề xuất: Đối với các khu đô thị mới, Sở QH - KT nên nghiên cứu đề xuất TP bổ sung thêm quy hoạch các khu vui chơi, cây xanh, trường học… Đồng thời, nghiên cứu tổng thể khi điều chỉnh cục bộ tăng dân số ở một ô đất, phải điều chỉnh tăng diện tích, quy mô các công trình hạ tầng xã hội. Hơn nữa, TP nên có quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa hoặc không điều chỉnh quy hoạch cục bộ dẫn đến tăng dân số tại các khu đô thị mới đã được phê duyệt.
Trên cơ sở kiến nghị của quận và giải trình của các sở, ngành chức năng, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng, cần phải phân cấp cho quận, huyện mạnh hơn nữa trong việc lập, thẩm định quy hoạch. Đồng thời, tạo điều kiện để địa phương thực hiện được nhiệm vụ đã phân cấp, từ cung cấp thông tin, hồ sơ... trên tinh thần giao nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền. Tuy nhiên, về phía quận Cầu Giấy cũng cần chủ động thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thẩm quyền cho phép, phối hợp giám sát việc thực hiện các quy hoạch, dự án của TP. Tăng cường triển khai quy hoạch chi tiết 1/500, đẩy mạnh quy hoạch các chuyên ngành, quản lý chặt chẽ thực hiện quy hoạch tại các khu đô thị. Tạo điều kiện để chính quyền cơ sở và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch với nhiều hình thức.
Để có cơ sở kiến nghị đề xuất với HĐND, UBND TP tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, chiều 13/3, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư.