Nhiều vướng mắc trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với diện tích trên 24.000ha rừng và 9.000ha đất lâm nghiệp, rừng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái của Hà Nội.

Song, làm thế nào để quản lý rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả, xứng với tiềm năng đang trở thành thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp Thủ đô.  

Chậm tiến độ giao đất, giao rừng

 Nhiều năm trước đây, công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP bị "buông lỏng" nên đã xảy ra không ít những vụ vi phạm về tranh chấp, lấn chiếm đất, rừng của người dân. Thêm nữa, tại những địa phương có rừng thường xen kẽ nhiều nhà ở dân cư, cơ quan, đơn vị, công trình... nên công tác quản lý của TP gặp không ít khó khăn, nhất là việc xác định chủ rừng. Hiện nay, hầu hết các diện tích rừng đều chưa xác định được chủ rừng, hoặc rừng có chủ nhưng "chính chủ" (người đăng ký nhận rừng) không ở địa phương do đã qua nhiều lần chuyển nhượng, mua đi bán lại mà không báo với cơ quan chức năng. Thực trạng này dẫn đến hệ lụy không ít diện tích rừng đang bị sử dụng sai mục đích, hiệu quả thấp; nguồn thu từ rừng cũng chưa xứng với tiềm năng vốn có.
Đất rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cần được quan tâm bảo vệ.     Ảnh: Tuấn Anh
Đất rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cần được quan tâm bảo vệ. Ảnh: Tuấn Anh
Mặt khác, việc xử lý tài sản rừng trên đất (trữ lượng và giá trị lâm sản) theo đúng quy định phải được cơ quan có thẩm quyền xác định, đánh giá chính xác trước khi giao cho người nhận. Người nhận đất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính (nộp tiền cho Nhà nước đối với giá trị lâm sản thực tế tồn tại trên diện tích được nhận quyền sử dụng đất) thì mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là những nguyên nhân khiến Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn TP chậm tiến độ.

Lý giải về thực trạng này, bà Mai Minh Hương - Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có Thông tư số 07/2011-TTLT- BNNPTNT-BTNMT của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT hướng dẫn về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp, TP Hà Nội đã giao cho Sở TN&MT chủ trì và quản lý hồ sơ; Sở NN&PTNT phối hợp thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư này. Tuy nhiên, sau khi Sở TN&MT làm hồ sơ giao đất cho các đơn vị, cá nhân xong hiện vẫn chưa chuyển hồ sơ đó cho Sở NN&PTNT để hoàn thiện thủ tục giao rừng cho các đơn vị, cá nhân.

Tập trung gỡ khó

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, mặc dù UBND TP đã phân công nhiệm vụ giao đất cho Sở TN&MT và giao rừng cho Sở NN&PTNT. Tuy nhiên, việc đánh giá giá trị rừng (rừng giàu - rừng nghèo; rừng trồng - rừng tự nhiên...) lại thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Tài chính nên việc giao đất, giao rừng cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Do đó, 3 cơ quan (Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính) cần phối hợp chặt chẽ với nhau thì mới thực hiện được Đề án này.

Để Đề án giao đất, giao rừng của TP đảm bảo đúng với lộ trình của Bộ NN&PTNT (Hà Nội là địa phương thuộc giai đoạn 2015 - 2017), ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, cùng với công tác phân loại rừng, phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chính sách giao đất, giao rừng.

Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT về vấn đề quản lý rừng và đất lâm nghiệp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT khẩn trương rà soát, kiểm kê, thẩm định diện tích rừng, đất lâm nghiệp hiện có; xây dựng bản đồ chi tiết; xây dựng Đề án giao đất, giao rừng, phấn đấu hoàn thành Đề án trong năm 2015. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý rừng và đất lâm nghiệp, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cần xây dựng kế hoạch quản lý, phát triển và bảo vệ rừng trong 5 năm (có phân kỳ và dự toán kinh phí).