70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãnh đạo các Sở VH-TT&DL địa phương đã nêu nhiều vấn đề chi tiết, sát thực tiễn về quản lý hiệu quả các hoạt động quảng cáo, góp ý vào sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.

16 nội dung đưa ra thảo luận để sửa đổi, bổ sung

Ngày 31/3, tại Đà Nẵng, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, hội thảo nhằm đánh giá được sự khách quan, tính khả thi và hoàn thiện Dự thảo của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở đạt chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Cũng theo bà Hương, ngày 21/6/2012, Quốc hội ban hành Luật Quảng cáo. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập nảy sinh trong hoạt động quảng cáo, như: sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các doanh nghiệp (DN) quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đang đặt ra, dẫn đến hoạt động quảng cáo của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy tốt và hiệu quả nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, có 16 nội dung được Quốc hội đưa ra thảo luận để sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung một số điểm khoản của Điều 21 như sau: Sửa đổi quy định về diện tích quảng cáo trên báo in theo hướng tăng lên đảm bảo phù hợp với thực tiễn. b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: “2. Cơ quan bảo chỉ được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thực hiện các thủ tục về xuất bản phụ trương theo quy định tại Luật Báo chí.”

Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 22 như sau: Sửa đổi quy định về thời lượng quảng cáo trong từng loại hình chương trình phim truyện cụ thể. Bổ sung quy định về điều kiện đối với hình thức quảng cáo lồng ghép trong phim truyện. Đối với hình thức quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim truyện phải tuân thủ các quy định về yêu cầu, điều kiện quảng cáo và đảm bảo cung cấp đầy đủ nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau: Sửa đổi các quy định về thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử để phù hợp với thực tiễn. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 70/2021/NĐ- CP của Chính phủ.  Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông bổ sung các đề xuất sửa đổi.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 của Điều 39 như sau: Không yêu cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh quảng cáo Việt Nam thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung khoản 4 của Điều 27 như sau: Giao chính quyền địa phương quy định cụ thể thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo trên địa bàn”.

Nhiều góp ý mang tính thực tiễn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đã nêu lên bất cập về công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện màn hình chuyên quảng cáo; việc tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo, thời hạn treo băng-rôn, bảng quảng cáo.

Bên cạnh đó là những bất cập về việc thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo; chưa có quy định phân biệt giữa bảng hiệu và bảng quảng cáo dẫn đến những khó khăn trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo.

Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Ninh Thị Thu Hương phát biểu tại hổi thảo. Ảnh: Quang Hải
Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Ninh Thị Thu Hương phát biểu tại hổi thảo. Ảnh: Quang Hải

Theo đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, lập quy hoạch quảng cáo ngoài trời căn cứ theo Luật Quảng cáo và các văn bản quy định có liên quan, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý, xử phạt. Các quy định chồng chéo cũng khiến địa phương chưa tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững.

Đại diện Cần Thơ cũng cho biết, địa phương gặp bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quảng cáo đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Hiện nay, Cần Thơ có khoảng 575 DN có phát sinh hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP, trong đó có 198 DN đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo có trụ sở trên địa bàn, 229 DN có đăng ký kinh doanh quảng cáo từ địa phương khác tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP. Áp dụng theo một số điều luật, cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong việc thống nhất nội dung sản phẩm quảng cáo.

Hoặc trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu cũng chưa được quy định trong pháp luật quảng cáo hiện nay... 

Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vĩ nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Quang Hải
Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vĩ nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Quang Hải

Về giải pháp, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vĩ kiến nghị với Bộ VH-TT&DL sớm ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Trong đó hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đấu thầu cho thuê các vị trí quảng cáo ngoài trời theo Quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong trường hợp thấy cần thiết, đề nghị sửa đổi theo hướng áp dụng hình thức đấu giá đối với các vị trí quảng cáo này. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo đối với phương tiện bảng quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; hướng dẫn công tác quản lý đối với bảng quảng cáo trên màn hình điện tử, tránh trường hợp để xảy ra vi phạm mới khắc phục hậu quả.

Đại diện Đà Nẵng cũng kiến nghị có phương án xây dựng, nghiên cứu, điều chỉnh và có hướng dẫn chi tiết hơn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời để phù hợp hơn với thực tiễn công tác quản lý, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. 

Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh kiến nghị không quy hoạch chi tiết vị trí quảng cáo ngoài trời đối với các bảng ốp vào công trình xây dựng có sẵn; bổ sung các quy định chi tiết về sự phối hợp quản lý, quy trình thực hiện cấp phép xây dựng và thông báo sản phẩm quảng cáo trong Luật Quảng cáo…

Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Ninh Thị Thu Hương thừa nhận có sự chưa phù hợp luật quảng cáo với các chuyên ngành. Khi làm luật không chỉ có ý kiến của Bộ VH-TT&DL mà còn có ý kiến của các ban ngành. Trong quá trình đó phải chấp nhận và cân đối làm sao luật đảm bảo được điều kiện cho các DN hoạt động. Sau hội thảo này sẽ triển khai tại TP Hồ Chí Minh và có sự tham gia của các DN.