Nhiều yếu tố tác động lên CPI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,05% so với tháng 1. Như vậy, sau 10 năm, CPI của tháng 2 giảm dù đây là tháng có kỳ nghỉ dài nhân dịp Tết Nguyên đán.

Tín hiệu khả quan cho mục tiêu 5%

Diễn biến CPI trong mấy tháng nay được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhìn tổng quát, giảm từ cuối năm trước đến đầu năm nay là điều chưa từng xảy ra trong nhiều chục năm qua, mặc dù theo thông lệ thì đây là thời điểm tăng khá cao so với các thời gian khác trong năm. Tính chung từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm nay CPI đã giảm 0,19%, trong khi các con số tương ứng trong các năm trước đều cao hơn (của 2013 - 2014 tăng 0,52%/tháng, của 2012 - 2013 tăng 0,83%/tháng, của 2010 - 2011 tăng 1,92%/tháng, của 2007 - 2008 tăng 2,52%/tháng…). Ở góc độ thứ hai, nếu tính CPI theo năm thì các tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với các con số tương ứng của các tháng trước đó (tháng 11/2014 tăng 2,6%, tháng 12/2014 tăng 1,84%/tháng, tháng 1/2015 tăng 0,94%, tháng 2/2015 tăng 0,42%). Ở góc độ thứ ba, "hiếm thấy" còn được nhìn nhận ở diễn biến giá cả trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc tăng thấp một cách lạ thường, kể cả những hàng hóa theo thông lệ thường có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết, thậm chí có một số loại giá còn giảm. Việc tăng thấp của CPI trong những tháng qua, đặc biệt là 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để CPI năm 2015 sẽ đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra (khoảng 5%) và là năm thứ tư tăng thấp (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%, năm 2014 rất thấp 1,84%).
Người tiêu dùng huyện Mê Linh mua hàng tại phiên chợ Tết 2015.             Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng huyện Mê Linh mua hàng tại phiên chợ Tết 2015. Ảnh: Công Hùng
CPI tăng thấp cũng tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi tăng với tốc độ cao hơn, cải thiện tính thanh khoản khi lãi suất huy động giảm xuống, thanh khoản được cải thiện, sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, góp phần để các DN tiếp cận vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa (thông qua việc các ngân hàng thương mại đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ trong điều kiện tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn). CPI tăng thấp là niềm vui chung của người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp, người gặp khó khăn, rủi ro...

CPI ghi nhận diễn biến khác quy luật

CPI giảm và tăng thấp trong những tháng qua do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động của giá cả đối với người tiêu dùng, nhất là ngăn chặn trước các cơn sốt giá thường xảy ra vào dịp Tết. Nhiều địa phương, nhất là các đô thị, trung tâm thương mại lớn đã tăng cường bán hàng bình ổn giá cả về loại hàng nhiều hơn, cả về lượng hàng có khối lượng lớn hơn, cả về điểm bán hàng được mở rộng hơn. Tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ở mức khá cao trong các tháng cuối năm trước, nhưng tháng 1/2015 đã giảm xuống (giảm 0,7%); trong khi nhờ đạt được lãi suất thực dương, nên tốc độ tăng tiền gửi cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Do vậy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa một lượng tiền không nhỏ ra thị trường, nhưng giá cũng không tăng cao.

Có nguyên nhân do tổng cầu - những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu tác động đối với lạm phát. Những yếu tố này từ vài năm nay vẫn yếu, mặc dù có tăng cao hơn trước. Vốn đầu tư trong tháng khởi đầu theo thông lệ còn chậm về nhiều mặt, ngay cả nguồn vốn của khu vực kinh tế Nhà nước hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nguồn vốn cũng triển khai chậm, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước hiện còn đạt thấp so với kế hoạch cả năm (phần do T.Ư quản lý và một số bộ, ngành, địa phương đạt còn thấp hơn tỷ lệ chung). Tiêu dùng cuối cùng thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tuy có cao lên, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tốc độ tăng trong những năm từ 2010 trở về trước. Người dân vẫn "thắt lưng buộc bụng", "tích cốc phòng cơ", thể hiện ở tiền gửi tiết kiệm gia tăng mạnh, mặc dù lãi suất huy động đã giảm xuống từ mấy tháng trước đó.

Có nguyên nhân do chi phí đẩy từ vài năm nay có xu hướng tăng chậm lại, có loại còn giảm. Lãi suất vay ngân hàng giảm xuống; đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đã trở về mức cách đây năm năm. Trong điều kiện trong tổng nguồn vốn của DN, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 30%, lãi suất hiện nay chỉ còn bằng một nửa, thậm chí có loại chỉ bằng một phần ba đỉnh điểm trước đây, thì lãi suất vay không còn là điểm nghẽn lớn, mặc dù vẫn còn cần phải giảm tiếp. Giá nhập khẩu tính bằng USD năm 2012 giảm nhẹ (0,33%), năm 2013 giảm sâu hơn (2,36%) và tiếp tục giảm 0,02% trong năm 2014; đồng thời giá USD bình quân tăng thấp (2012 tăng 0,18%, 2013 tăng 0,66%, năm 2014 tăng 0,56%). Tính chung lại, giá hàng nhập khẩu tính bằng VND nhìn chung giảm. Đặc biệt giá xăng dầu qua nhiều lần giảm liên tục đã kéo giá tiêu dùng tăng chậm lại.

Tuy tăng thấp và là một tin vui, nhưng về CPI cũng có một số điểm cần lưu ý. Trước hết, CPI có khả năng sẽ lặp lại diễn biến của năm trước (tăng thấp, thậm chí còn có dấu hiệu của thiểu phát vào cuối năm). Mặc dù vẫn đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm, nhưng về "nhịp độ" vẫn cần lưu ý là cần điều hành theo tư duy "kiểm soát" chứ không phải "kiềm chế" lạm phát.

Kiểm soát lạm phát là phải có sự điều hành đồng bộ, nhịp nhàng và tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Đồng bộ là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hơn nữa. Nhịp nhàng là điều hành dòng chảy của tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, tránh tốc độ tăng dồn vào cuối năm, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến tình trạng phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh… Việc tập trung cho lĩnh vực ưu tiên cần được đẩy mạnh hơn, bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm trước (6,2% so với 5,98%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần