Thông tin trên đã được Thứ trưởng Phạm Công Tạc công bố tại buổi họp báo thường kỳ Quý 3/2015. Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá, Hội nghị còn đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006. Chiến lược đã đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân nhằm “từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước”.
Trong những năm vừa qua NLNT đã có đóng góp quan trọng, tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai lĩnh vực ứng dụng phi năng lượng (ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ) và năng lượng (điện hạt nhân) ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn tại Mỹ, đóng góp của ứng dụng NLNT vào giá trị kinh tế xã hội đạt mức 2% GDP năm 1997, trong đó đóng góp của các ứng dụng phi năng lượng chiếm 75% và của điện hạt nhân chiếm 25%.
Kể từ khi Chiến lược ra đời, đã có nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân, được phê duyệt ban hành.
Vào năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận, mỗi nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất phát điện mỗi nhà máy khoảng 2.000MW.
Sang năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Quy hoạch tổng thể nêu rõ mục tiêu “Ứng dụng rộng rãi, an toàn, hiệu quả bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội” và “Tập trung xây dựng các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên và đưa vào vận hành an toàn vào năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch tổng thể đã đề ra 4 Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ, 3 Quy hoạch và 2 Đề án phục vụ phát triển điện hạt nhân, 5 Đề án đồng thời là giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể. Cho đến nay, hầu hết các Quy hoạch, Đề án, nhiệm vụ thuộc Quy hoạch tổng thể đã được các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi có Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ ở nước ta ngày càng được đẩy mạnh và đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trên nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, khí tượng thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ...
Đối với công tác triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Dự án đầu tư (FS) và Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) đối với các Dự án NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đang được các cơ quan chức năng thẩm định. Đồng thời, các dự án thành phần như hạ tầng phục vụ thi công, di dân tái định cư, phát triển nguồn nhân lực... đang được tích cực triển khai.
Hội nghị đánh giá được tổ chức tới đây sẽ là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cơ sở ứng dụng ngồi lại với nhau nhằm tìm hiểu thêm về kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như triển vọng, tiềm năng ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Ảnh minh họa
|