Nhìn lại các hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Chấm dứt xung đột và mở rộng trao đổi kinh tế

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp nhau vào sáng 27/4 tới. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp nhau vào ngày 27/4 tới.
Cuộc họp thượng đỉnh Hàn-Triều lần thứ 3 sẽ đánh dấu đỉnh cao của một nền ngoại giao sóng gió đưa hai miền Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh tới công khai thảo luận hòa bình.
Hai nước đã nhất trí về 3 nội dung trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này gồm phi hạt nhân hóa, thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Dưới đây là tóm tắt những diễn biến chính tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra trong năm 2000 và 2007 tại Bình Nhưỡng:
1. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất diễn ra vào tháng 6/2000
Cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên lần đầu tiên đưa hai miền ra khỏi tình trạng đối đầu tiến tới hòa giải và hợp tác.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, từ ngày 13 - 15/6. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (bên trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp nhau tại Bình Nhưỡng năm 2000. 
Trước cuộc họp thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã trở thành tâm điểm thế giới khi đích thân ra tận sân bay đón Tổng thống Kim Dae-jung. Ông Kim Dae-jung nói với cố lãnh tụ Kim Jong-il: “Tôi rất mừng được gặp ông. Tôi đã mong muốn điều này từ lâu rồi. Chúng ta đều là người Chosun (Hàn Quốc)”.
Tổng thống Kim Dae-jung còn nhận được giải Nobel Hòa bình nhờ Chính sách Ánh dương của ông mà hội nghị đã được tổ chức. Chính sách này chủ trương làm mềm quan điểm của Triều Tiên với Hàn Quốc thông qua khuyến khích tương tác và hỗ trợ kinh tế.
Đó là sự khởi đầu ấm áp bất ngờ với cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo hai miền Triều Tiên bị chia cắt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau đó, Tổng thống Kim Dae-jung đã viết trong hồi ký của mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã hỏi ông: "Bạn có sợ phải đến miền Bắc không?"
Tại hội nghị thượng đỉnh này, ngày 14/6, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận giảm căng thẳng, thúc đẩy nỗ lực tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Trong bữa trưa chia tay ngày 15/6, hai nhà lãnh đạo đã nắm tay nhau cùng hát bài “Ước mong của chúng ta là thống nhất”.
Cuộc họp thượng đỉnh đó đã đưa đến một loạt các cuộc sum họp gia đình bị chia cách trong chiến tranh Triều Tiên và thành lập một nhà máy liên hợp chung tại TP Kaesong của Triều Tiên vào năm 2014. Cuộc gặp lịch sử được giới lãnh đạo thế giới hoan nghênh. Mỹ coi đây là “ngày hy vọng mới”.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, thông tin Chính phủ Hàn Quốc đã trả gần 500 triệu USD cho Triều Tiên để xúc tiến hội nghị thượng đỉnh năm 2000 bị rò rỉ. Khoản tiền này được giữ bí mật suốt thời gian dài và khi xuất hiện, nó đã gây ra một vụ bê bối chính trị lớn: Bê bối đổi tiền lấy hội nghị thượng đỉnh.
Khoản tiền 500 triệu USD được trả cho Triều Tiên có liên quan tới tập đoàn Huyndai Asan. Huyndai nói khoản tiền chi cho Triều Tiên là để công ty được độc quyền với du lịch và các dự án khác ở Triều Tiên.
2. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 10/2007
Lãnh đạo Triều Tiên vẫn là ông Kim Jong-il, người tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Còn phía Hàn Quốc là Tổng thống Roh Moo-huyn. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra trong bối cảnh lạc quan với các cuộc đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Roh Moo-huyn đã có chuyến đi xuyên biên giới lịch sử. Ông Roh Moo-huyn đã rời thủ đô Seoul của Hàn Quốc trên một đoàn xe hộ tống cùng với các lãnh đạo DN, nhà tư sản, nhà thơ và các mục sư. Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng, đoàn xe dừng tại khu vực phi quân sự để Tổng thống Roh Moon-huyn đi bộ khoảng 30m qua biên giới vào lãnh thổ Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Hàn Quốc đi bộ sang Triều Tiên.
Sau này khi về Seoul, ông Roh Moon-huyn thừa nhận rằng khi tới Bình Nhưỡng và gặp ông Kim Jong-il, ông đã lo lắng tới mức không thể ngủ đêm. "Tôi không chắc liệu chúng tôi có thể đồng ý về một quan điểm thống nhất", ông Roh nói.
Nhà ãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-huyn trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai năm 2007. 
Cuộc họp diễn ra giữa lúc có nhiều hoạt động ngoại giao để thi hành thỏa thuận, theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và năng lượng khổng lồ, cũng như cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.
Hội nghị này đạt được một thỏa thuận, theo đó hai nhà lãnh đạo hứa thay thế lệnh ngưng chiến bằng một chế độ hòa bình lâu dài và thành lập một khu vực đánh cá chung dọc theo ranh giới biển tranh chấp ở phía Tây để ngăn ngừa những vụ xung đột hải quân đẫm máu.
Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Roh ít tiến triển. Đến năm 2009, Tổng thống theo đường lối bảo thủ, ông Lee Myung-bak lên cầm quyền tại Hàn Quốc, chấp nhận một lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Năm 2009, Triều Tiên rút khỏi vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, để phản đối các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời vào năm 2011. Kể từ khi thay cha lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đẩy mạnh phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trong diễn biến tích cực trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Triều Tiên vừa tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Sau hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan hệ hai bên có được cải thiện nhưng sau đó bị lu mờ bởi các căng thẳng tiếp theo. Dư luận đang chờ đợi hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in ngày 27/4 tới sẽ làm được những điều dang dở.