Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn lại nợ công: "Bây giờ ta đủ bản lĩnh từ chối vay nợ lãi suất cao"

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Bức tranh nợ công Việt Nam đang có những nét sáng hơn khi chính Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nợ công hiện đã bớt áp lực và đây là thời điểm để Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý vay nợ.

Nợ công là một trong những vấn đề nóng nhất được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhiều đại biểu trong phiên chất vấn hồi tháng 11 đã nêu lên lo lắng, nợ công hiện đã sát trần cho phép, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. Và, với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, câu hỏi đặt ra là, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có giải pháp gì để quản lý an toàn nợ công nhưng vẫn bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Chính Ngân hàng Thế giới trong báo cáo công bố trong năm nay cũng nêu lên lo lắng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). Phía WB thậm chí còn cảnh báo, nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.
Thừa nhận áp lực trả nợ thời gian qua là lớn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thống kê, giai đoạn 2011 - 2015, nợ công tăng bình quân một năm 18,4%. Tuy nhiên, đến năm 2016 và năm 2017, theo Bộ trưởng, tỷ lệ này đang chậm lại, năm 2016 khoảng 15% và năm 2017 là 9%. Báo cáo ngành tài chính cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2016 khoảng 63,7% và dự kiến đạt 62,6% năm 2017.

Nói lên những con số mới nhất trong buổi họp trực tuyến Chính phủ ngày 29/12, chính Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thở phào: “Nợ công đã bớt áp lực.”

 
Ông nêu lên một vài thống kê để chứng minh cho nhận định này. kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân trong nước năm nay khoảng 12,7 năm. Con số này năm ngoái chỉ là 8,7 năm. Điều này đã nâng kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ tới năm 2017 là 6,7 năm (tới năm 2016 là 5,8 năm).

Bộ trưởng cũng đưa ra so sánh, năm 2011, Chính phủ báo cáo Quốc hội tỷ lệ vay nước ngoài chiếm tới 60%, vay trong nước là 40% thì hiện đã đảo ngược, tức là vay nước ngoài chỉ còn 40%. Từ đó, Bộ trưởng tự tin: “Ta đủ bản lĩnh để từ chối vay nợ lãi suất cao.”

Tuy vậy, nói về thời gian tới, vị tư lệnh ngành tài chính vẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thận trọng khi đề xuất vay và quản lý vốn một cách hiệu quả.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông, khởi nguồn của cơ cấu lại ngân sách Nhà nước chính từ các bộ, ngành, địa phương gắn với cơ cấu lại chi đầu tư, thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế. Bởi vậy, ông mong sự ủng hộ, vào cuộc thực sự của các bộ, ngành địa phương.

Nói cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho hay, một trong những giải pháp là tiết kiệm chi triệt để. Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc cần giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, hạn chế mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng khoán xe công,..

Đồng tình với việc phải thắt chặt chi tiêu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, trong năm 2018, một trong những giải pháp cần lưu ý nhiều nhất là không để phát sinh những công trình Nhà nước đầu tư thất thoát.

Nhắc tới 12 dự án đắp chiếu đã được dư luận nhắc tới nhiều trong năm qua, ông Phương lưu ý việc đầu tư cần phải có trọng điểm hiệu quả và tránh dàn trải.