Làm thế nào để nâng cao, thay đổi ý thức người dân trong việc tham gia giao thông là vấn đề các cấp, các ngành và toàn xã hội đều rất quan tâm. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, vấn đề này càng trở nên bức thiết. Sát cánh với TP, góp thêm kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, tạo dựng nền tảng văn hóa giao thông, đặc biệt hướng đến "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" năm thứ 3 hứa hẹn nhiều đổi mới.
Những dấu ấn không quên Cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" được báo Kinh tế&Đô thị khởi động từ năm 2012 nhằm hưởng ứng Chương trình "Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020" của Liên Hợp quốc. Ngay từ năm đầu tiên phát động, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm chú ý, hưởng ứng nhiệt tình của người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền Tổ quốc. Số lượng bài dự thi ngày một nhiều, chất lượng tốt, nhiều kiến nghị thiết thực, hình thức thể hiện độc đáo. Cụ thể, năm 2012, con số bài tham dự còn khá khiêm tốn - dưới 1.000 bài viết và đối tượng tham dự chủ yếu là người dân Thủ đô. Nhưng sang năm 2013, con số đó đã lên đến gần 2.500 bài viết của nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước gửi về, có cả người nước ngoài tham gia.
Điểm đáng chú ý là qua 2 kỳ thi (2012, 2013), các tác phẩm dự thi lọt vào vòng xét giải đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Hơn thế, nhiều giải pháp, đề xuất của các tác giả gửi đến dự thi còn được cân nhắc để áp dụng vào thực tế, nhân rộng áp dụng ở nhiều nơi, như hình thức: "Tuyên truyền giao thông qua móc chìa khóa" của tác giả Nguyễn Cao Hoàng; "Cà phê biển báo" ở Đà Nẵng của tác giả Vinh Quang; "Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xử lý vi phạm giao thông, dùng camera để phạt nguội" của tác giả Lê Xuân Luyện. Một số bài viết còn đạt hiệu quả ngay lập tức sau khi phản ánh những hiện tượng ùn tắc, mất trật tự ATGT tại các điểm đen, điểm nóng, những bất cập trong quá trình vận hành quản lý điều khiển giao thông. Cụ thể như cơ sở hạ tầng cho người đi bộ sang đường đã được chú trọng cải tạo đầu tư hơn; Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm lòng đường đã được dẹp bỏ; Các biển báo, chỉ dẫn, phân luồng bất hợp lý đã được thay thế; Các đường ngang giao cắt với đường sắt được quy hoạch, có biển báo, hàng rào chắn đúng quy định…
"Cuộc thi đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho giao thông. Trong đó có những đóng góp về cơ chế chính sách, những giải pháp chống ùn tắc cho giao thông Thủ đô. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong mỗi người dân; Thêm kênh thông tin biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình trong việc góp phần đảm bảo trật tự ATGT, khích lệ các tổ chức phát huy hơn nữa tinh thần vì ATGT. Phê phán kịp thời các hành vi vi phạm…" - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long đánh giá. Thêm trọng trách mới Tổng kết 2 năm triển khai, với hơn 3.000 bài viết dự thi là con số ấn tượng, đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng và hiệu quả tác động của Cuộc thi cũng như sự quan tâm của người dân đối với vấn đề giao thông của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, cho thấy vị thế Cuộc thi - một giải báo chí thường niên của TP Hà Nội ngày càng được khẳng định. Bước sang năm 2014, Cuộc thi được tiếp tục phát động. Tuy nhiên, nội dung "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" năm nay có nhiều đổi mới hơn, gắn chặt và song hành cùng với các hoạt động tuyên truyền về trật tự văn minh đô thị, hưởng ứng "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014". Cụ thể, Cuộc thi sẽ mở rộng khuyến khích các đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên tham gia viết bài, đề xuất ý tưởng cho giao thông. Đặc biệt, chú trọng kêu gọi sự tham gia của các quận, huyện, địa phương thuộc địa bàn Hà Nội, hướng đến phản ánh bức tranh giao thông Thủ đô đa chiều, chứ không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề xảy ra ở khu trung tâm nội thành. Bởi thực tế, vấn đề giao thông tại các vùng nông thôn, ngay cả các vùng thuộc Hà Nội như hiện nay chưa được quan tâm đúng mức cả về chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng, lẫn ý thức người dân. Với những kinh nghiệm đã có cũng như những kết quả, tác động nhất định đạt được từ 2 lần trước, cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô năm 2014" một lần nữa sẽ cùng độc giả yêu Thủ đô nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội về vấn nạn giao thông, cùng nhau chung tay quyết tâm cải thiện tình trạng tai nạn, UTGT, xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.
Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các đơn vị tham gia tích cực vào Cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô 2013". Ảnh: Thanh Hải |
Tôi đánh giá rất cao việc báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức thành công cuộc thi viết về ATGT Hà Nội. Đây là việc làm nghiêm túc, công phu và đầy trách nhiệm của Ban Tổ chức cuộc thi. Tôi mong sao các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và ngay cả những tỉnh, thành khác trong cả nước cũng tổ chức những cuộc thi viết về ATGT như Hà Nội đang làm, bởi nội hàm của cuộc thi còn sâu rộng hơn ý nghĩa giải thưởng. Đó là tạo nên một làn sóng nhận thức về ATGT trong cộng đồng xã hội. GS Hoàng Chương |
Cầu vượt Trần Khát Chân được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tải ùn tắc giao thông tại nút. Ảnh: Linh Anh |
Cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thu hút được hàng ngàn tác giả - tác phẩm dự thi, với nhiều nội dung phong phú, nêu lên đúng, trúng các vấn đề đang bức xúc của giao thông Hà Nội như: Thực trạng ùn tắc, tai nạn, ý thức của người tham gia giao thông đến văn hóa giao thông để từ đó đề xuất giải pháp giải quyết ùn tắc, TNGT. Thậm chí, có cả những bài viết nêu kinh nghiệm của nước ngoài để Hà Nội học tập và tham khảo. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa lớn đối với lĩnh vực giao thông của Hà Nội. Từ những bài viết của Cuộc thi đã thấy những tiếng nói, ghi nhận thực tế, ý kiến tâm huyết để từ đó có giải pháp cho ATGT TP Hà Nội. Mong rằng từ những ý tưởng, đề xuất của các tác giả, tác phẩm sẽ đánh thức được ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, cùng chung tay quyết tâm cải thiện tình trạng tai nạn, UTGT vì một Thủ đô văn hiến, văn minh. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc |